Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Nhận diện các quan điểm xuyên tạc, chống phá về kiểm soát quyền lực
Công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu “then chốt” trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái, biến chất, bệnh quan liêu, tham nhũng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện tốt kiểm soát quyền lực trên các lĩnh vực, đặc biệt là quyền lực trong công tác cán bộ.
Gần đây, lợi dụng một số quan chức “nhúng chàm” liên quan đến các "đại án" nổi cộm gần đây như vụ chuyến bay giải cứu hay như vụ Việt Á, các thế lực thù địch ra sức tăng cường các hoạt động chống phá, xuyên tạc, hòng gieo rắc sự hoài nghi của nhân dân đối với Đảng và nhà nước, giảm sút lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể, những đối tượng phản động ở nước ngoài đã lợi dụng việc các cơ quan chức năng truy tố, xét xử hàng loạt vụ án nhận hối lộ liên quan đến các quan chức để xuyên tạc theo kiểu "thầy bói xem voi" về những nỗ lực của Đảng ta trong công cuộc phòng chống, tham nhũng và "bóp méo" sự thật về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ trong thời gian qua. Chúng cho rằng: Kiểm soát quyền lực ở Việt Nam thực chất là sự tha hóa quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam (!) và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở Việt Nam là sự lạm quyền, lộng quyền của Đảng và Nhà nước ta? Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở Việt Nam thực chất là sự thao túng quyền lực trong thể chế một Đảng cầm quyền?
Điều này là hoàn toàn sai sự thật. Thực tế cho thấy, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhiều luận điệu xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Ảnh vtv.vn |
Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ta cũng chỉ rõ, công tác kiểm soát quyền lực, đặc biệt là việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta nhìn chung vẫn còn một số hạn chế, nhất định. Cụ thể, ở một số cơ quan, đơn vị, cơ chế kiểm soát quyền lực thiếu chặt chẽ, dẫn đến quyền lực có lúc bị thao túng, tha hóa trong công tác cán bộ, tình trạng “chạy chức, chạy quyền” vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, không ít nơi còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khi có thành tích thì nhận về mình, khi có khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể; thực hiện quy trình công tác cán bộ thiếu công tâm, khách quan, còn biểu hiện gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, lộng quyền; vì thế chưa tạo được bước đột phá về công tác cán bộ.
Phản bác những luận điệu xuyên tạc trên, Đại tá, PGS, TS. Bùi Quang Huy – Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng chỉ ra: Đại hội XIII của Đảng xác định vấn đề kiểm soát quyền lực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước".
Công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu của Đảng ta, là “then chốt của then chốt”. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là nội dung cơ bản thường xuyên và cấp bách trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tuy nhiên vừa qua, lợi dụng các vụ việc mà Đảng ta xử lý vi phạm trong công tác cán bộ với phương châm, quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có đặc quyền” bất kể người đó là ai; một số phần tử cơ hội đã đưa ra những luận điệu sai trái cho rằng đó là “sự thanh trừng, đấu đá giữa các phe cánh” trong công tác cán bộ.
Đại tá, PGS, TS. Bùi Quang Huy nhấn mạnh: "Thực chất ý đồ xấu xa của các quan điểm sai trái đó là nhằm chia rẽ, kích động phá hoại khối đoàn kết trong Đảng và dân tộc. Đây là những quan điểm cơ hội chính trị, sai trái, xuyên tạc, thiếu cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn".
Phải "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế"
Phân tích về các cơ sở lý luận và thực tiễn phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc trên, Đại tá, PGS, TS. Bùi Quang Huy chỉ rõ. Thứ nhất, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quyền lực nhà nước nói chung cũng như quyền lực trong công tác cán bộ nói riêng trong bất cứ chế độ xã hội nào cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tha hóa như: Chuyên quyền, lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng quyền lực hoặc buông lỏng quyền lực thiếu trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm.
Để phòng, chống nguy cơ tha hóa quyền lực cần phải có những cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ. Bởi vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến vấn đề kiểm soát quyền lực.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh, phải “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ: Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền…
Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần cũng chỉ rõ: "Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Vì thế, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề tất yếu để lựa chọn, sàng lọc, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ thực sự có đức, có tài của Đảng và hệ thống chính trị; để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, loại trừ những nguy cơ làm tha hóa đội ngũ cán bộ; chứ không phải là “sự thao túng quyền lực” như các phần tử cơ hội, phản động đã rêu rao.
Thứ hai, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong hệ thống chính trị ở nước ta được thực hiện theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được hiến định và bổ sung thêm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Mặt khác, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ như: Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019, của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là một dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đại tá, PGS, TS. Bùi Quang Huy nêu rõ, những quy định đó góp phần đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa liêm chính, công minh trong công tác cán bộ. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và đề cao tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ.
Thứ ba, kết quả đạt được kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua góp phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn cho thấy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa quan trọng, là biện pháp căn cơ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy của hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thời gian qua được thực hiện một cách nghiêm túc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong thời gian qua, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn; đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng” .
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã đạt được những kết quả tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng quyền lực, lợi dụng hoặc buông lỏng quyền lực trong công tác cán bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm; miễn nhiệm, từ chức theo đúng quy định, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước tạo dấu ấn tốt đẹp trong xã hội.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo, xử lý, thi hành kỷ luật 539 đảng viên, thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí, thôi giữ chức vụ đối với 2 phó Thủ tướng Chính phủ, 3 thứ trưởng. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử; phát hiện, xử lý nhiều vụ án đặt biệt nghiêm trọng.
Đơn cử, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã làm tha hóa nhiều cán bộ (chúng ta đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự 3 ủy viên Trung ương Đảng; 3 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; Vụ án các chuyến bay giải cứu công dân do Covid-19 xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan) đã khởi tố, xét xử 54 bị can, trong đó có 2 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 2 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố 2 vụ trưởng, cục trưởng.
Từ những lập luận trên, Đại tá, PGS, TS. Bùi Quang Huy bày tỏ: "Chúng ta có thể khẳng định, quan điểm cho rằng “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở Việt Nam là một biểu hiện của thao túng quyền lực”, là hoàn toàn sai trái. Có thể nói, thực chất đây là quan điểm nhân danh, lợi dụng vấn đề “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ” để kích động, xuyên tạc, đánh lừa dư luận, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa".