Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 29/10/2023: Vàng tiếp tục tăng giá; đầu tư ra nước ngoài giảm Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 30/10/2023: Vàng giằng co quanh mức hơn 70 triệu đồng/lượng |
TKV sẽ thoái vốn loạt công ty con
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa thừa ủy quyền Thủ tướng, ký đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tới năm 2025.
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 31/10: TKV sẽ thoái vốn loạt công ty con. Ảnh: Báo Dân việt |
Theo đề án đã phê duyệt, TKV vẫn theo mô hình công ty mẹ - con. Công ty mẹ TKV (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) thực hiện đồng thời hai chức năng chủ yếu là sản xuất, kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con. Các công ty con kinh doanh các ngành nghề, dự án mà công ty mẹ không trực tiếp thực hiện.
Gần 1.000 dự án "treo", không hiệu quả, lãng phí
Chính phủ vừa có báo cáo cụ thể về kết quả xử lý gần 1.000 công trình, dự án "treo", không hiệu quả, lãng phí.
Đối với 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước không hiệu quả, lãng phí có khoảng 16/51 dự án, chiếm khoảng 30% tổng dự án nói trên được xử lý. Trong đó, có 8 dự án khắc phục tồn tại và đưa vào hoạt động; 1 dự án đã thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản, 1 dự án gia hạn tiến độ thực hiện, 4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác sử dụng, các dự án khác đang rà soát, xem xét xử lý theo quy định.
Đối với 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực điện, than và dầu khí chậm tiến độ, Chính phủ cho biết, có 1 dự án đang triển khai thực hiện, các dự án khác đang rà soát, xử lý.
19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai, hoang hoá, lãng phí, Chính phủ cho biết, đang triển khai thực hiện 2 dự án, gia hạn đối với 3 dự án, chấm dứt 2 dự án, còn lại đang rà soát, xem xét xử lý.
Đối với hơn 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, Chính phủ cho biết, đã chấm dứt hơn 22 dự án, thu hồi đất 126 dự án, gia hạn tiến độ 93 dự án, rà soát thu hồi đất 25 dự án, điều chỉnh 10 dự án, đưa vào hoạt động 41 dự án, còn lại đang rà soát, xử lý.
Tăng trưởng xuất khẩu 6% khó đạt mục tiêu
Mục tiêu xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng trưởng 6% được giới chuyên gia nhận định là thách thức lớn, bởi thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu đang giảm hơn 24 tỷ USD so với năm 2022.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 272,8 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tổng thể trong quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu có bước cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm, đạt 94,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với quý II/2023 nhưng vẫn giảm 1,2% so với cùng kỳ 2022.
Nợ xấu vẫn tăng
Cuối tháng 10/2023, hàng loạt ngân hàng tiếp tục công bố bán đấu giá các khoản nợ xấu là nhà xưởng, khách sạn, tòa nhà… đều là những khối tài sản có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, những cập nhật sơ bộ kết quả kinh doanh mùa báo cáo quý III/2023 cũng cho thấy thông tin ban đầu về mối lo nợ xấu ngày càng lớn dần lên.
Theo báo cáo gửi Quốc hội được công bố gần đây, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục xu hướng này trong những tháng đầu năm 2023. Tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào khoảng 3,56%, tăng vọt so với con số 2% hồi đầu năm.
Phát triển về lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal trong khối ASEAN
Hôm nay ngày 31/10, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tổ chức "Diễn đàn hợp tác và phát triển về lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal trong khối ASEAN" tại khách sạn Grand Sài Gòn.
Diễn đàn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo…
Hiện TP. Hồ Chí Minh đã có thêm nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.
Vàng trong nước giảm 350.000 đồng/lượng
Trong nước rạng sáng nay 31/10, giá vàng bất ngờ giảm mạnh với mức giảm cao nhất 350.000 đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết mức 69,9 triệu đồng/lượng mua vào và 70,62 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng miếng SJC đã được điều chỉnh giảm 250.000 đồng ở chiều mua và 350.000 đồng ở chiều bán.
Tổng thu ngân sách tại TP. Hồ Chí Minh giảm
Tổng thu ngân sách 10 tháng qua tại TP. Hồ Chí Minh ước đạt 372.000 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 83% nhưng nguồn thu từ xuất/nhập khẩu chỉ đạt 69%. Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu khá cao. Số thuế thu từ nhập khẩu cũng rất thấp.
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2023 giảm 8,1% so với cùng kỳ, trong đó 3 thành phần trong tổng thu ngân sách đều giảm so với cùng kỳ: Thu nội địa giảm 5,2%, thu từ dầu thô giảm 16,4%, thu từ xuất nhập khẩu giảm 13,1%. Ngược lại, ước tính chi ngân sách địa phương tăng 37,3% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư tăng 31,7% và chi thường xuyên tăng 9,4%.
Du lịch Việt Nam cán đích sớm
10 tháng qua Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt du khách nước ngoài. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay nhưng chỉ sau 10 tháng đã vượt xa mục tiêu đề ra.
Ngành du lịch cũng phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa trong tháng 10, nâng tổng số khách nội địa trong 10 tháng đạt 98,7 triệu lượt. Với sự tăng trưởng mạnh lượng khách du lịch đã mang về tổng thu hơn 580.000 tỷ đồng.