Du lịch Chí Linh: Sức sống mới từ Nghị quyết XXII
KỲ II: "TRÁI NGỌT" TỪ SỨC LAN TỎA LỚN
Nhờ Nghị quyết XXII diện mạo của ngành du lịch Chí Linh khởi sắc |
Biến quyết tâm thành hành động
Rời khu nhà của thị ủy, Trưởng ban Quản lý di tích Thị xã Chí Linh dẫn chúng tôi sang khu nhà UBND thị xã. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Uỷ viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh - cho biết, sau khi có Đề án, Ban Thường vụ Thị ủy đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án do Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban; giao Ủy ban Kiểm tra Thị ủy chủ trì cùng các ban xây dựng Đảng của Thị ủy giúp Ban Thường vụ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện đề án, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Thị ủy; chỉ đạo kế hoạch phát triển nguồn vốn trung hạn cho phát triển du lịch; yêu cầu tất cả toàn thể cấp ủy, đảng viên, cán bộ, triển khai xuống các chi bộ, phòng, ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện Đề án.
Với sự vào cuộc quyết liệt, "cầm tay chỉ việc", các công đoạn của Đề án từng bước triển khai một cách bài bản, hiệu quả. Theo Đề án, trong 5 năm (2015-2020) Chí Linh dành nguồn vốn đầu tư 100 tỷ đồng để phát triển du lịch. Nhờ tiềm lực về tài chính, từ năm 2015 toàn thị xã đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu di tích. Trong thời gian ngắn, các hệ thống di tích, danh thắng của Chí Linh được trùng tu, tôn tạo với quan điểm xuyên suốt đó là không trẻ hóa di tích, công nghiệp hóa di tích.
Bên cạnh đó, Chí Linh còn nhanh chóng phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, điểm dừng chân, siêu thị, xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương. Đến nay, Chí Linh đã có hệ thống khách sạn có thể phục vụ 2.000 khách lưu trú; thu hút đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, như: Siêu thị Hapro Việt Tiên Sơn, siêu thị Sao Đỏ, siêu thị Thiên Ân, siêu thị Constrix. Đặc biệt, Chí Linh là địa phương duy nhất trong cả nước được Vincom đầu tư xây dựng siêu thị cấp huyện.
Đảng bộ Thị xã Chí Linh còn chỉ đạo mạnh mẽ các cấp ủy, chi bộ triển khai xây dựng, phát triển sản xuất sản phẩm mang nét đặc trưng, có thương hiệu địa phương, từ đó lan tỏa hàng hóa Chí Linh tới các vùng miền cả nước. Phấn khởi, đồng chí Nguyễn Minh Thắng nói: "Thương hiệu gà đồi Chí Linh, na Chí Linh, nhãn chín muộn, thanh long ruột đỏ, mật ong, chè Thảo mộc Chí Linh… từng bước khẳng định vị trí trên thị trường và được đưa vào các điểm di tích, danh thắng với mức tiêu thụ rất lớn". Đồng thời, thị ủy còn rốt ráo chỉ đạo tạo môi trường văn minh du lịch, xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng đeo bám, chèo kéo du khách; giá cả hàng hóa niêm yết công khai, kinh doanh ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích, điểm tham quan.
Dấu ấn đổi thay
Chúng tôi đến xã Lê Lợi - vùng lõi Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, một điểm sáng du lịch của Chí Linh vào trưa muộn. Đường đến trung tâm xã Lê Lợi trải nhựa êm ru, quanh co giữa điệp trùng núi đồi che phủ cây xanh tươi tốt. Dừng chân ở Khu di tích Đền Sinh, Đền Hóa có kiến trúc cổ, tựa lưng vào núi Ngũ Nhạc nhìn ra hướng Đông Bắc giữa bạt ngàn cây rừng xen lẫn những đồi vải thiều xum xuê đang vào mùa lễ hội, khách hành hương đông đúc, nhộn nhịp.
Trưởng ban quản lý di tích Chí Linh, Thị ủy viên Nguyễn Minh Thắng: Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết XXII, năm 2020, bộ mặt du lịch của Thị xã Chí Linh hứa hẹn sẽ thay đổi rõ nét hơn. Khi đó, người ta sẽ nói đi du lịch Chí Linh, chứ không chỉ thuần túy là đi lễ Chí Linh nữa. |
Tại đây, các quầy hàng bán nông sản, sản phẩm làng nghề địa phương, đến các dịch vụ khác được bố trí khá trật tự, quy củ; người mua - bán nhộn nhịp. Chị Vương Thị Thắm (thôn An Môn) - vui vẻ chia sẻ, gia đình chị làm nghề hương truyền thống và đã kinh doanh tại Đền Sinh được 4 năm. Nhờ lượng khách đến Chí Linh ngày càng tăng, nên thu nhập trung bình của gia đình chị đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. So với làm nông nghiệp, đây là mức thu nhập mơ ước của gia đình.
Không giấu niềm vui khi nói về "làn gió" của Nghị quyết XXII đang lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Lê Lợi Nguyễn Văn Phương - chân tình bày tỏ, đẩy mạnh phát triển du lịch là một hướng đi đúng của Thị xã Chí Linh. Vì vậy, sau khi có Nghị quyết XXII và Đề án "Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2015-2020", Đảng ủy xã Lê Lợi đã nhanh chóng triển khai thực hiện.
Và "trái ngọt" mà xã Lê Lợi có được nhờ Nghị quyết XXII đến nay, theo lời Bí thư Nguyễn Văn Phương đó là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt từ trong nhận thức và cách làm; tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, cán bộ đoàn thể từ xã đến thôn toàn diện hơn. Nhân dân đều có ý thức chỉnh trang tu sửa nhà ở, diện mạo của nông thôn ngày càng khởi sắc. Văn hóa - xã hội, an ninh trật tự nông thôn được bảo đảm hơn, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương; hệ thống chính trị được tăng cường củng cố; Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt trong sạch, vững mạnh.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Phương cho hay, hàng năm có hàng triệu lượt du khách về tham quan tại các di tích, nhất là vào các dịp lễ hội mùa xuân, mùa thu tại Côn Sơn - Kiếp Bạc, trong số đó có khoảng 1/3 lượng du khách về di tích, lễ hội tại địa phương. Nhờ đó, qua các mùa lễ hội, các khu di tích thuộc địa bàn do xã quản lý đã tạo công ăn, việc làm cho hơn 300 lao động trực tiếp và gián tiếp kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội; tạo thu nhập ổn định cho hơn 100 hộ gia đình trong xã và giúp hơn 50 hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo nhờ vào hoạt động du lịch.
Xã Lê Lợi chỉ là một kết quả điển hình của 2 năm thực hiện Nghị quyết XXII và 1 năm thực hiện Đề án. Theo Trưởng ban Quản lý di tích Nguyễn Minh Thắng, kinh tế du lịch đang chuyển mình tích cực tại nhiều thôn, xã khác của Chí Linh. Từ chỗ chỉ đón khoảng 1 triệu lượt khách/năm, thì hiện nay lượng du khách đến với Chí Linh đã hơn 3 triệu lượt/năm, vượt mục tiêu đón trên 1 triệu lượt khách/năm mà Nghị quyết XXII đề ra. Đặc biệt, năm nay Chí Linh lần đầu tiên đón 82 đoàn khách châu Âu, hứa hẹn có thể khai thác được nguồn khách từ thị trường có mức chi tiêu cao và đầy tiềm năng này. "Chính người dân thị xã đang được thụ hưởng kết quả từ việc đầu tư phát triển du lịch theo Nghị quyết XXII. Cụ thể, mỗi một di tích đã giải quyết việc làm cho 150 - 200 lao động, thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/người/tháng" - ông Nguyễn Minh Thắng cho biết.
Kỳ vọng của Thị ủy viên Nguyễn Minh Thắng khiến chúng tôi gửi lại lời hẹn sẽ quay lại Chí Linh một ngày không xa, để cảm nhận trọn vẹn hơn về một miền cổ tích, đầy chất kết tinh của văn hóa và lịch sử; để thấy nhiều hơn "trái ngọt", những đổi thay của kinh tế, xã hội trên khắp các thôn, xã nhờ Nghị quyết XXII của Đảng bộ Thị xã Chí Linh.