Huy động sức mạnh tổng hợp Nỗ lực bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo |
Như chúng ta đã biết, là một dân tộc hòa hiếu nhưng dân tộc Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và giải phóng dân tộc để có được nền hòa bình và phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên kể từ sau khi chúng ta thống nhất đất nước vào tháng 4 năm 1975, các thế lực ngoại bang và phản động không ngừng tấn công trên nhiều mặt trận, nhằm gây mất ổn định xã hội, tiến đến kích động bạo loạn lật đổ để xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự tấn công này được diễn ra với nhiều mũi xung kích khác nhau trong một mưu đồ gọi là “diễn biến hòa bình”.
Vào cuối năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nội dung của nghị quyết này đã khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa về việc cần thiết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là những hoạt động bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, cùng với đường lối chủ trương của Đảng. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay yêu cầu bảo vệ nhân dân, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như các thành quả của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế cũng cần được quan tâm. Trong số các nội dung đó, việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc để tạo lập, duy trì, giữ gìn vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước được xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Với kinh nghiệm tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta tự tin để đối phó với những cuộc tấn công xâm lược của ngoại bang nhờ vào thế trận lòng dân được thiết lập vững chắc và liên tục củng cố. Tuy nhiên, thế giới hiện đại đang diễn ra nhiều bối cảnh mới, các chính phủ đang phải đối mặt với nhiều hình thức đe dọa an ninh quốc gia, cả các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có cả Việt Nam. Trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên, các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn đang tiếp diễn. Trong nước, sự nghiệp đổi mới tuy được đẩy mạnh toàn diện nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Do các vấn đề lịch sử trong quá trình mở mang bờ cõi, khai phá vùng đất Nam bộ của các chúa Nguyễn, chiêu bài lợi dụng các vấn đề lịch sử liên quan đến lãnh thổ quốc gia cũng được các thế lực chống đối sử dụng để kích động chủ nghĩa dân tộc, nhằm tiến hành gây rối bằng hành động “đòi đất” khi cho rằng lãnh thổ phía Nam của tổ quốc Việt Nam là di sản của các thế hệ tổ tiên người Khmer Nam bộ trong quá khứ tạo lập. Đây là một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ khi ngày nay chúng ta chứng kiến trên thế giới một số khu vực đang diễn ra nhiều xung đột và chúng liên quan rõ nét đến vấn đề lãnh thổ trong lịch sử các quốc gia.
Từ thực tế nêu trên, nhóm tác giả bài viết lựa chọn chủ đề “Góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong hoạt động nghiên cứu lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ” và tiếp cận dưới góc độ các nghiên cứu khoa học liên quan đến lịch sử vùng đất Nam bộ qua các nghiên cứu gần đây nhằm cung cấp những căn cứ khoa học để góp phần phản bác các luận điệu trên.
Lịch sử vùng đất Nam bộ qua kết quả nghiên cứu khoa học
Trước hết cần điểm qua lịch sử vùng đất Nam bộ khi con người tiến hành khai phá và định cư để có được cái nhìn toàn cảnh trong quá khứ về lịch sử vùng đất.
Về thành tạo địa chất, từ khoảng 7.000 - 5.000 năm trước, theo các nghiên cứu của địa chất học cho thấy dưới tác động của đợt biển tiến vào trung kỳ Holocen với mức nước dâng cao +2.5m đến +4.5m so với thời hiện đại (Susumu Tanabe và cộng sự 2003) nên nhiều vùng đất rộng lớn, bằng phẳng của Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long khi ấy vẫn còn bị ngập dưới nước biển hay không thuận lợi cho con người cư trú do ảnh hưởng của nước mặn.
Chỉ có những khu vực nằm sâu hơn trong nội địa, trên các bậc thềm phù sa cổ ven dòng chảy các hệ thống sông Đồng Nai và Vàm Cỏ thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và vùng đất cao thuộc tỉnh Long An ngày nay là những nơi có thể sinh sống được thời vào thời bấy giờ. Các chương trình nghiên cứu gần đây cho thấy vào khoảng 4.500 đến gần 4.000 năm trước bắt đầu xuất hiện một số điểm cư trú của cư dân thuộc giai đoạn Hậu kỳ Đá mới ở miền Nam Việt Nam ven lưu vực sông Vàm Cỏ Đông như hai di tích An Sơn và Lộc Giang (Peter Bellwood và cộng sự 2011) hay các di tích đất đắp dạng tròn trên vùng cao nguyên đất đỏ thuộc tỉnh Bình Phước với niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay (Nguyễn Khánh Trung Kiên, Nguyễn Nhựt Phương 2020). Những địa điểm khảo cổ nói trên chính là những nơi định cư sớm của những cộng đồng cư dân khai phá vùng đất Nam bộ thời tiền sử.
Qua những nghiên cứu trong nhiều thập niên qua của khảo cổ học Việt Nam đã đem lại nhiều phát hiện góp phần đem lại những nhận thức ngày càng rõ nét hơn về thời tiền sử ở vùng đất Nam bộ. Từ khoảng hơn 4.000 năm trước, trên vùng cao của châu thổ sông Cửu Long bắt đầu xuất hiện những cộng đồng cư dân đầu tiên và họ đã cư trú ven dòng chảy các con sông lớn trong vùng. Sinh kế của những cộng đồng này bên cạnh khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên còn có nông nghiệp trồng lúa - rau củ và chăn nuôi với hai loài động vật phổ biến là lợn và chó. Trong khoảng 500 năm sau đó, bắt đầu từ 3.500 đến 3.000 năm cách ngày nay, ở vùng này gia tăng một cách nhanh chóng các điểm cư trú ven hệ thống sông Đồng Nai.
Bắt đầu xuất hiện các xưởng thủ công chuyên chế tác dụng cụ lao động bằng đá để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của những cộng đồng này ở hai bờ sông Bé. Trong giai đoạn tiếp theo, từ 3.000 đến 2.500 năm cách ngày nay, đồ đồng bắt đầu được chế tác và sử dụng phổ biến bởi những cộng đồng trong vùng, nổi bật ở các di tích như Dốc Chùa (tỉnh Bình Dương), Bưng Bạc và Bưng Thơm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều nơi khác. Đời sống tinh thần và tư duy mỹ thuật của cư dân cổ cũng rất phát triển, không chỉ làm được những dụng cụ bằng đồng mà họ còn đúc ra những tượng động vật như tượng con trút (Long Giao), thú săn mồi (Dốc Chùa) hay những bộ đàn đá như một nhạc cụ đích thực.
Bắt đầu từ giai đoạn này cũng diễn ra quá trình tiến dần về phía biển, chinh phục những vùng đất sình lầy còn ngập nước nằm ven biển thời bấy giờ bằng hình thức cư trú trên những nhà sàn như ở các phát hiện khảo cổ học tại di tích Bưng Bạc, Bưng Thơm (Bà Rịa - Vũng Tàu) Cái Vạn, Cái Lăng (Đồng Nai). Cư trú trên nhà sàn cũng được phát hiện tại di tích Phú Chánh (Bình Dương), đặc biệt nơi đây còn biết đến nghề dệt với khung dệt và kỹ thuật dệt ngồi gấp gối.
Trong khoảng thời gian 500 năm này cũng là lúc những cộng đồng trong vùng bắt đầu diễn ra những tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua các vật phẩm được mang đến từ phương xa qua các tuyến thương mại trên biển hoạt động rất sôi nổi thời bấy giờ. Chính những hoạt động thương mại đó đã góp phần tạo nên những kết nối của cư dân nơi này với nhiều luồng văn hóa khác nhau, góp phần tạo nên những tiền đề cho sự hình thành của một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng vào đầu Công nguyên ở Nam bộ Việt Nam, chính là văn hóa Óc Eo, là nền tảng văn hóa của nhà nước Phù Nam.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong suốt một thời gian dài sau đó rất hiếm các cuộc khai quật khảo cổ học được thực hiện tại các di tích ở Đông Nam bộ trong khi phần lớn công sức của học giả người Pháp đã dồn cho khu di tích Óc Eo (tỉnh An Giang ngày nay) vào giữa thập niên 1940 với các kết quả nghiên cứu nổi tiếng của Louis Malleret lần lượt được xuất bản trong những năm 1959 - 1963 (Louis Malleret 1959).
Bắt đầu từ giữa thập niên 1970 và trong gần 50 năm tiếp theo, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều chương trình điều tra khảo sát, khai quật và nghiên cứu ở Nam bộ Việt Nam và đã từng bước đem lại những nhận thức mới, qua đó phác họa lại diện mạo của quá trình định cư, mở rộng địa bàn cư trú của các cộng đồng cư dân cổ trên vùng đất này (Bùi Chí Hoàng chủ biên 2017).
Trong năm 2017 - 2018, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thực hiện nhiệm vụ được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao trong Đề án cấp Nhà nước “Nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam bộ)” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ phục vụ cho nghiên cứu khoa học về một giai đoạn lịch sử quan trọng ở Nam bộ mà còn góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho công tác lập hồ sơ Di sản trình UNESCO ghi danh Óc Eo - Ba Thê là di sản thế giới.
Óc Eo là tên gọi một nền văn hóa khảo cổ quan trọng ở Nam bộ Việt Nam, được học giả người Pháp Louis Malleret đưa ra vào năm 1942 dựa theo tên của địa điểm đầu tiên được ghi nhận, có tên gọi Gò Óc Eo tại vùng đất ngày nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Từ những phát hiện ban đầu ấy, trải qua hơn 70 năm nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả trong và ngoài nước đã cho thấy không gian phân bố của văn hóa Óc Eo trải rộng trên nhiều tỉnh thành ở vùng đất Nam bộ và một số vùng phụ cận. Quá trình phát triển của văn hóa Óc Eo bao gồm các giai đoạn: tiền Óc Eo - Óc Eo - hậu Óc Eo, có khung niên đại xác định vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ IX. Với mỗi thời kỳ, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà đặc điểm phân bố của các di tích hay loại hình di tích có những điểm tương đồng hoặc khác biệt nhau.
Từ sau năm 1975, nhiều chương trình điều tra khảo sát, khai quật và nghiên cứu cho các di tích thuộc văn hóa Óc Eo đã được triển khai, kết quả nghiên cứu đã được công bố trong nhiều công trình. Không gian phân bố di tích văn hóa Óc Eo được phân chia thành các tiểu vùng địa lý như sau: (1) vùng Tứ giác Long Xuyên, (2) vùng Đồng Tháp Mười, (3) vùng Ô Môn - Phụng Hiệp, (4) vùng giữa hai sông (Tiền Giang và Hậu Giang), (5) vùng gò - giồng cát ven biển, (6) vùng U Minh - Cạnh Đền. Trong những năm gần đây, một số chương trình hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học đã được triển khai với sự phối hợp giữa Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và các tỉnh thành địa phương tại những khu di tích quan trọng của văn hóa Óc Eo như: Nhơn Thành và Óc Eo - Ba Thê đã mang lại nhiều nhận thức mới trong lĩnh vực khảo cổ học, góp phần phác họa diện mạo những khu cư trú lớn của những lớp cư dân khai phá vùng đất Nam Bộ từ một vài thế kỷ trước sau mốc Công nguyên.
Trong thập niên 1940 - 1950, với các ghi nhận của học giả người Pháp L. Malleret cho thấy tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong thời cổ đại đã từng tồn tại một dạng “đô thị” được quy hoạch một cách “chuẩn mực” trong một không gian có dạng hình chữ nhật dài 3.000 m và rộng 1.500 m, với các đường “hào” chạy song song cùng với hệ thống các đường hào phân chia các khu vực nội bộ nhìn thấy rất rõ qua khảo sát ảnh chụp từ máy bay. Với những tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã hội tụ đủ các yếu tố của một “thành phố - cảng” thời cổ đại mà tiền cảng của nó nằm gần bờ biển cổ, cách đó khoảng 12km về phía nam (di tích Nền Chùa, ngày nay thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang). Kết nối giữa hai khu di tích Nền Chùa và Óc Eo - Ba Thê là một dòng kênh cổ có tên gọi Lung Lớn hay Lung Giếng Đá (kênh số 16 theo bản vẽ của L. Malleret về hệ thống kênh cổ ở đồng bằng Nam bộ). Từ Óc Eo - Ba Thê có hệ thống các dòng kênh cổ tỏa ra nhiều hướng kết nối với nhiều khu vực khác nhau ở Nam bộ và xa hơn, trong đó có kênh số 4 dẫn sâu vào nội địa đến di tích Angkor Borei (Campuchia) cách nơi đây khoảng hơn 90km về phía tây bắc.
Sau ba năm (2017 - 2020) tiến hành khai quật tại các di tích khảo cổ ở khu vực núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã mang lại những nhận thức khoa học mới. Lần đầu tiên tại khu di tích này được nghiên cứu một cách tương đối toàn diện với nhiều loại hình di tích (kiến trúc, cư trú, kênh cổ) với quy mô khai quật lớn, áp dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành đã mang đến những kết quả lý thú.
Các phát hiện mới về khảo cổ học cho thấy khu di tích Óc Eo - Ba Thê là một trung tâm kinh tế - tôn giáo quan trọng của văn hóa Óc Eo. Tại khu vực cánh đồng Óc Eo, cảnh quan đã bị thay đổi nhiều khiến việc nhận diện được vết tích của không gian đô thị cổ được quy hoạch với các phân khu như không ảnh thập niên 1950 gần như không thể. Tuy nhiên, qua khai quật và nghiên cứu các điểm cư trú trên cánh đồng Óc Eo cho thấy vai trò khu vực này như một đô thị với sự xuất hiện của nhiều nghề thủ công, nông nghiệp và thương mại hàng hải đồng thời còn là một trung tâm tôn giáo lớn thời bấy giờ.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy khu vực núi Ba Thê là một trung tâm tôn giáo lớn, nhất là khu vực sườn núi với nhiều di tích kiến trúc tôn giáo đã được khai quật và nghiên cứu. Trước đây, giới nghiên cứu đã từng biết đến những di tích đơn lẻ tại khu vực sườn và chân núi Ba Thê thì qua kết quả mới đã chỉ ra nơi đây là một quần thể kiến trúc tôn giáo được quy hoạch chuẩn mực, có nhiều giai đoạn phát triển: được bắt đầu từ khoảng thế kỷ I - III, hoàn thiện trong thế kỷ V - VII và tái thiết nhiều đợt từ thế kỷ VIII trở về sau.
Kết quả nghiên cứu di tích kênh đào cổ Lung Lớn đã góp phần làm sáng tỏ vị trí, vai trò của dòng kênh cổ này đối với đời sống của cư dân văn hóa Óc Eo thời bấy giờ. Thông qua đợt khai quật này, những tư liệu về vị trí, quy mô của Lung Lớn từng được đề cập trong tài liệu của Louis Malleret và các tài liệu thành văn khác được xác minh và làm rõ dựa trên những thông tin từ địa tầng, hệ thống di vật của di tích. Diễn biến tầng văn ở các hố khai quật không chỉ cho thấy được vị trí, quy mô của lung, mà còn phác họa phần nào đời sống sinh hoạt của cư dân thời bấy giờ dọc theo hai bờ lung. Việc nghiên cứu về hệ thống thủy lộ kết nối từ “đô thị cổ” Óc Eo với các khu vực khác cần tiếp tục nghiên cứu thêm bởi nó có ý nghĩa rất quan trọng cho vấn đề nghiên cứu hoạt động thương mãi cũng như là con đường giao thông chính của cư dân cổ Óc Eo với các khu vực khác.
Tư liệu trong đợt khai quật khu di tích Lung Lớn này không chỉ xác minh lại vị trí và quy mô của Lung Lớn trong quá khứ, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về vai trò, chức năng của Lung Lớn cũng như bối cảnh cư trú ven kênh rạch của cộng đồng dân cư cổ ở đây. Theo kết quả khai quật mới, dòng kênh Lung Lớn rộng nhưng không sâu, hai bên bờ là nơi cư trú trên nhà sàn dựng trên các cột gỗ đẽo nhọn và đóng thẳng trên tầng sét bờ kênh. Dù chưa tìm thấy vết tích ghe thuyền cổ nhưng qua đặc điểm của dòng kênh cho thấy có thể người cổ nơi đây chỉ đi lại bằng ghe thuyền cỡ nhỏ, sử dụng mái chèo và sào để di chuyển ghe thuyền. Dựa trên những phát hiện trong cuộc khai quật tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã cho thấy chủ nhân “đô thị cổ” này đã có những quan hệ thương mại với nhiều khu vực thời bấy giờ. Các hiện vật ngoại nhập chủ yếu tìm thấy tại Gò Giồng Cát và Lung Lớn đã góp phần tái hiện các quan hệ văn hóa thông qua con đường thương mại giữa Óc Eo với các vùng đất xa xôi như La Mã, Tây Á, Ấn Độ, Trung Hoa và các quốc gia cổ ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Ngay trong giai đoạn đầu Công nguyên, sự phát triển vượt bậc của mạng lưới thương mại hàng hải, đã kết nối các vùng và khu vực với nhau. Trong những hoạt động thương mại trên, khu vực Óc Eo giữ vai trò quan trọng, có thể là một điểm trung chuyển hàng hóa hoặc một nơi cung cấp những nguyên vật liệu, nguyên liệu thành phẩm, đồ gốm, đồ trang sức... mà con đường để vận chuyển hàng hóa này liên quan mật thiết đến hệ thống thủy lộ nối từ Óc Eo liên kết với khu vực Angkor Borei (Campuchia) qua kênh số 4 và Óc Eo - Nền Chùa qua kênh số 16 (hay Lung Lớn/Lung Giếng Đá).
Tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê, bên cạnh những loại hình đồ gốm được sản xuất tại Óc Eo còn tìm thấy nhiều loại đồ gốm nguồn gốc nước ngoài đến từ nhiều khu vực khác nhau thời bấy giờ. Vào giai đoạn vận hành cực thịnh của Lung Lớn với vai trò một tuyến thủy lộ, đồ gốm Trung Quốc thời Đông Hán (thế kỷ II - III), các loại gốm đen miết láng và gốm vẽ màu của Ấn Độ (thế kỷ IV - VI) được tìm thấy ở di tích Lung Lớn. Các phát hiện đồ gốm từ những khu vực này cũng được ghi nhận ở Nền Chùa cách đó 12km về phía biển và kết nối qua dòng kênh Lung Lớn.
Nguồn gốc đa dạng của những vật phẩm trên là những bằng chứng xác thực từ khảo cổ học để góp phần cùng những ghi chép trong thư tịch Trung Quốc cho thấy nền văn hóa phát triển ở mức cao ở đồng bằng này trong thời cổ đại, khi vùng đất Óc Eo là một điểm dừng quan trọng, là “ngã tư đường” trong hệ thống thương mại hàng hải lúc đó.
Những luận cứ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng đất Nam bộ
Dựa vào các kết quả nghiên cứu của khoa học lịch sử, đặc biệt là từ chuyên ngành khảo cổ học đã cho thấy tính chất quan trọng của các nghiên cứu về văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, bởi nó không chỉ liên quan đến vùng lãnh thổ mà ngày nay là đồng bằng Nam bộ mà còn lan tỏa ở nhiều quốc gia khác ở xung quanh, đặc biệt là đối với Campuchia.
Giới nghiên cứu lịch sử của Campuchia cho rằng người Campuchia ngày nay là hậu duệ của người Chân Lạp, vốn là một tiểu quốc của Phù Nam thời bấy giờ (là quốc gia cổ đại liên quan đến văn hóa Óc Eo) đã nổi lên và đánh bại Phù Nam. Vì thế, theo quan điểm trên, vùng đất Nam Bộ “bị mất” vào tay các chúa Nguyễn trong tiến trình mở mang bờ cõi vào thế kỷ XVII về sau.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã góp phần cho thấy trên địa bàn Nam Bộ vào khoảng đầu Công nguyên có sự cộng cư của rất nhiều nhóm cư dân nguồn gốc khác nhau, trong đó có người Khmer.
Đồng thời, các hiện vật tìm thấy tại khu di tích Óc Eo cho thấy chủ nhân vùng đất này thời bấy giờ có quan hệ thương mại với nhiều nơi trên thế giới, từ La Mã, Ấn Độ đến Trung Hoa và thế giới hải đảo của Đông Nam Á. Thương mại không phải là thế mạnh của cư dân Khmer. Họ - người Khmer - chỉ quen canh tác nông nghiệp trên các vùng địa hình cao (ruộng khô). Họ thậm chí không quen canh tác trong môi trường đất thấp, sình lầy như vùng đất Nam Bộ.
Chính vì thế, sau khi Phù Nam bị Chân Lạp xâm chiếm vào thế kỷ VII, bản thân chính quyền Chân Lạp cũng không thể cai quản vùng đất này mà lui về vùng đất cao hơn ở tỉnh Sambor Prei Kuk. Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy sau thế kỷ XII vết tích cư trú của các cộng đồng cư dân cổ gần như không được thể hiện. Phải chăng sau khi xâm chiếm vùng đất từng trù phú với kinh tế nông nghiệp và thương mại hàng hải thì người Chân Lạp cũng không thể thích nghi để tồn tại và lui về đất cũ của họ ở sâu hơn trong nội địa và bỏ hoang hóa khu vực này, không thực thi chủ quyền lãnh thổ đúng nghĩa.
Điều này cũng được ghi nhận trong Chân Lạp phong thổ ký do Châu Đạt Quan ghi chép khi đi sứ ngang qua vùng đất này vào thế kỷ XIII cho thấy nơi này bị bỏ hoang, gần như “vô chủ”, trâu bò rừng và thú hoang dã tụ tập trên các cánh đồng, gần như không có vết tích gì của xóm làng cư trú của cư dân.
Vì thế, trong vài thế kỷ sau đó, khi các bước chân khai hoang của tổ tiên người Việt theo các chúa Nguyễn đến vùng đất này gần như là một quá trình di dân trong hòa bình, không diễn ra các tranh chấp, xung đột về lãnh thổ được ghi nhận. Vì thế, luận điểm đòi lại “lãnh thổ” vùng đất này không thuyết phục và không có cơ sở.
Ở góc độ đời sống tinh thần, các hiện vật trang sức cho thấy cư dân Óc Eo ở Nam bộ Việt Nam rất thích phục sức bằng những vật đeo đa dạng về kiểu dáng (hạt chuỗi, hoa tai, vật đeo cổ, vòng tay), đa dạng về chất liệu (đá mã não, đá ngọc, đá quý, vàng hoặc hợp kim chì thiếc). Đặc biệt là những hạt chuỗi thủy tinh, được tìm thấy với hàng triệu hiện vật trong cuộc khai quật năm 2017 - 2020 (Đặng Ngọc Kính 2020). Loại hình hạt chuỗi thủy tinh này được sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng cư dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian) vốn cư trú trên các hải đảo của Đông Nam Á và trải dài đến Madagascar và không được ưa chuộng trong các nhóm cư dân Khmer. Vì vậy, qua hiện vật trang sức tìm thấy gợi hướng nhóm cư dân có vai trò chủ đạo ở Óc Eo thời bấy giờ không phải là cư dân Khmer mà họ chỉ là một nhóm trong thành phần cư dân đa dạng tại khu vực Nam Bộ.
Một bằng chứng khác khả năng liên quan đến yếu tố tộc người thể hiện ở hệ thống kênh đào cổ trên vùng đồng bằng Nam bộ. Qua khảo sát bằng máy bay trong thập niên 1950, người Pháp đã xác định các kênh đào thẳng tắp, kết nối nhiều khu vực cư trú thời cổ đại được định vị và vẽ trên bản đồ. Việc đào hệ thống kênh này nhằm tạo các dòng chảy để phục vụ giao thông, nhằm tránh phải di chuyển trên các dòng sông lớn (sông Tiền, sông Hậu) vốn có tốc độ dòng chảy lớn, gần như không thể di chuyển ngược dòng với các phương tiện chèo tay. Tư duy vạch tuyến trên không gian rộng lớn như của đồng bằng Nam Bộ khó có thể có được ở cư dân nông nghiệp mà thường phát triển tốt hơn ở các nhóm cư dân đi biển mà người Nam Đảo vốn rất nổi trội.
Như vậy, qua nhiều yếu tố nói trên từ các nghiên cứu khoa học cho thấy khả năng vào đầu Công nguyên, ở Nam bộ Việt Nam có nhiều nhóm cư dân nguồn gốc khác nhau (trong đó cư dân Khmer cũng chỉ là một thành phần trong các cộng đồng nơi này). Họ chính là những người có vai trò quan trọng trong điều hành xã hội như hoạt động thương mại quốc tế hay thiết lập các kênh đào như hệ thống giao thông đường thủy ở đồng bằng Nam bộ.