Tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Ban hành Kế hoạch Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 |
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng
6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Hà Nội đã phối hợp tích cực với Ban chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể tạo nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời các thành viên Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa; đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, kích cầu mua sắm phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, tạo ấn tượng đến khách tham quan trong nước và quốc tế về hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Ngàn năm văn hiến – Thành phố vì hòa bình – Thành phố sáng tạo”.
TP. Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” |
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm nay, mặc dù đến tháng 4 mới cơ bản khống chế dịch xong trong dịp Tết nguyên đán. Nhưng trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện triển khai các chương trình một cách tích cực, hiệu quả.
Sự vào cuộc của các đơn vị cũng đa dạng phong phú hơn, đưa những sản phẩm hàng hóa quảng bá trên thị trường Hà Nội rất phong phú, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được người dân rất đón nhận. Qua đó, đóng góp cho phát triển kinh tế của Thủ đô trong 7 tháng, chỉ số phát triển, chỉ số bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu… tăng mạnh.
Mặc dù vậy, 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát tăng cao; cần phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp về nguồn vốn, giá thành đầu vào nguyên vật liệu cho sản xuất. Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Tương tự, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ, các chương trình của thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp nội khối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình chuyển đổi số.
Khởi động chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022”
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ khởi động chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022”. Thời gian thực hiện bình chọn từ tháng 7 đến tháng 10-2022.
Chương trình là hoạt động tiêu biểu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa cộng đồng các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được bình chọn với người tiêu dùng. Qua đó, nâng cao vị thế hàng hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và niềm tự hào về hàng việt trong nhân dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Trưởng Ban tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022” cho biết, qua nhiều năm triển khai, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, tiếp cận với người tiêu dùng và doanh nghiệp với tinh thần tạo dựng kênh thông tin khách quan, truyền tải thông điệp trực tiếp và cụ thể đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đối tượng tham gia chương trình bình chọn gồm các sản phẩm, dịch vụ là hàng Việt Nam của các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, có đăng ký kinh doanh hợp pháp (trong đó gồm cả sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có xuất xứ Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí của Ban tổ chức).
Nhóm các sản phẩm tham gia bình chọn gồm: Điện tử, công nghệ; đồ gia dụng; công nghiệp; thời trang, phụ kiện; xây dựng, trang trí nội thất; dược phẩm, thực phẩm chức năng; hóa mỹ phẩm; văn phòng phẩm, thiết bị học tập; thủ công mỹ nghệ; nông, lâm, thủy hải sản; các sản phẩm OCOP; thực phẩm, đồ uống.
Nhóm dịch vụ gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán, sàn thương mại điện tử; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; giáo dục, đào tạo; viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển, logistics; truyền thông, tổ chức sự kiện.
Để triển khai có hiệu quả, bà Trần Thị Phương Lan - Trưởng ban tổ chức yêu cầu các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố tuyên truyền đến các doanh nghiệp hội viên tích cực tham gia chương trình bình chọn; giới thiệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực phụ trách tham gia chương trình. Ban Chỉ đạo cuộc vận động các quận, huyện, thị xã tuyên truyền sâu rộng đến các hội, hiệp hội, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống tại địa phương tích cực tham gia chương trình bình chọn.
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động đề nghị các đơn vị chuyên môn cần làm tốt công tác tuyên truyền, chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”… từ đó lan tỏa niềm tự hào hàng Việt đến với người dân.
Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022; tổ chức bình chọn, chấm thi công khai minh bạch, Sở Công Thương cung cấp thông tin thường xuyên cho ban chỉ đạo để Ban Chỉ đạo cập nhật, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo cùng vào cuộc bảo đảm chất lượng, hiệu quả cuộc bình chọn.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành thành phố và các địa phương, phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố; làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo, gắn hoạt động của cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm…