Hàng Việt Nam: "Đem chuông đi đánh xứ người" - Kỳ 2: Giấc mơ lớn của doanh nghiệp
Chỉ đưa hàng ra nước ngoài nếu có nguồn hàng tốt
Thẳng thắn chia sẻ về giấc mơ đưa hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài bằng chính thương hiệu Việt, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho biết, chúng tôi không chủ trương đưa hàng Việt ra nước ngoài là hoạt động mang tính phong trào, chỉ đưa hàng hóa đến vài ngày rồi về mà quan trọng là có được giá trị vững bền mà doanh nghiệp, hàng hóa có thể đạt được và phát huy trong tương lai lâu dài hơn. Để có được nền tảng vững chắc ở thị trường nào đó, cần có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là Saigon Coop luôn hướng đến mục tiêu có những điểm bán tại thị trường quốc tế, tìm mọi cách để có được những điểm bán như thế để đưa hàng hóa Việt Nam hiện diện.
Saigon Coop kiên định đưa hàng hóa chất lượng ra nước ngoài |
Kiên định cho mục tiêu đó, mỗi Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài đã được Saigon Coop chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, không chỉ đơn thuần là đưa hàng đến nước ngoài để quảng bá, Saigon Co.op đã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, liên kết vùng để xây dựng các vùng nguyên liệu rộng lớn về nông nghiệp thông qua việc thiết lập một mô hình gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất Saigon Co.op với các doanh nghiệp trong nước. Từ chương trình hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ TP. Hồ Chí Minh, mang đến lợi ích kép, đảm bảo đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng. Đến nay đã có hơn 10.000 doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã đã trở thành đối tác cung cấp hàng hóa thường xuyên cho Saigon Co.op bán lẻ trong nước và xuất khẩu. Hoạt động này đã giúp Saigon Coop có được nguồn hàng ổn định, chất lượng.
Có được nguồn hàng tốt, Saigon Coop đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam ra khu vực và quốc tế, bước đầu xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại hai thị trường khó tính hàng đầu khu vực là Nhật Bản và Singapore. Đây là hai thị trường có yêu cầu đầu vào hết sức khắc khe nhưng Saigon Co.op với mối quan hệ hợp tác xã quốc tế tốt đẹp và sự đồng hành của các đơn vị sản xuất tâm huyết – ý thức xây dựng uy tín thương hiệu Việt cao, đã giúp thâm nhập thành công hai thị trường này. “Từ nguồn hàng sẵn có, Hiện mỗi năm Saigon Co.op mỗi năm xuất khẩu đều đặn hơn 2 triệu USD nông sản, đồ nhựa gia dụng, các loại thực phẩm công nghệ sang chuỗi siêu thị của Nhật Bản và Singapore” – ông Nguyễn Anh Đức thông tin.
Đáng chú ý, mới đây, Saigon Coop đã chính thức mua lại chuỗi bán lẻ Auchan (Pháp) và hành động này được đánh giá không chỉ giúp Saigon Coop mở rộng phạm vi trên thị trường nội địa mà còn giúp mang lại nhiều cơ hội khác cho các. Bởi dù rời khỏi Việt Nam, hãng bán lẻ Pháp Auchan vẫn sẽ làm việc với đối tác nhận chuyển nhượng là Saigon Co.op, giúp nhà bán lẻ Việt này tiếp cận với hơn 2.800 điểm bán tại 15 quốc gia trên toàn thế giới. Điều này sẽ giúp Saigon Coop mở rộng thị phần xuất khẩu sang những thị trường chủ lực như châu Âu, Nga, Trung Quốc... mà Auchan đã có sẵn mạng lưới phân phối.
Hàng Việt Nam cũng được thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng. Ông Shibata Eiji - Phó Chủ tịch Tập đoàn AEON cho hay, tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là khá lớn. Đơn cử, năm 2013, lần đầu tiên Nhật Bản nhập khẩu cá tra Việt Nam với con số vô cùng khiêm tốn là 5 tấn, bằng chất lượng tốt, đến năm 2018, con số đã tăng lên đến 100 tấn, gấp 20 lần. Cùng với cá tra, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON tăng mạnh trong thời gian vừa qua như vali khóa kéo, hàng thời trang, thực phẩm…
Nhận thấy tiềm năng này, năm 2018, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON đã ký biên bản ghi nhớ với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua Tập đoàn AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025. Chỉ tính riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON đã đạt 250 triệu USD.
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp
Cũng là một trong những doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài tích cực phối hợp với Bộ Công Thương nhằm đưa hàng Việt Nam sang nước ngoài qua hệ thống phân phối, qua 4 năm liên tiếp tổ chức tuần hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại lớn nhất Bangkok (Thái Lan), đại diện Central Group cho hay, kết quả là đã xuất khẩu trực tiếp thành công những sản phẩm chế biến (có giá trị cao), bằng chính thương hiệu ở 5 ngành hàng chính: phở, mì; trà và cà phê, snack, trái cây tươi và gia vị. Một số doanh nghiệp, thương hiệu Việt đã xuất khẩu thành công sang các chuỗi siêu thị của Tập đoàn tại Thái Lan như Café Mr Viet, Vifon, King Coffe, Vinamit, Hạt điều Hải Bình… với số lượng ổn định và tăng dần qua các năm.
Các tuần hàng giúp kết nối nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối |
“Quan trọng hơn, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Central Group và Bộ Công Thương tổ chức, đã học hỏi được rất nhiều, trong việc cải tiến bao bì, mẫu mã. Tuần hàng đã làm tốt vai trò cầu nối, cung cấp “tín hiệu” thị trường cho các doanh nghiệp thay đổi chiến lược và sản phẩm phù hợp với thị trường Thái Lan: vị, xu hướng tiêu dùng, chất lượng, bao bì…” – đại diện Tập đoàn Central Group cho hay.
Đáng chú ý, so với các phương thức xuất khẩu truyền thống như xuất khẩu qua thương lái, việc xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối sẽ mang lại những lợi ích như xuất khẩu được thương hiệu của Việt Nam ra thế giới (trước khi tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, doanh nghiệp hầu hết sẽ chỉ xuất khẩu thô, hoặc xuất khẩu thông qua thương hiệu của người khác). Bên cạnh đó, không chỉ giúp doanh nghiệp vẫn giữ được thương hiệu của mình tại thị trường quốc tế mà còn giúp doanh nghiệp có được những nghiên cứu thị trường xác thực hơn để thay đổi sản phẩm thích ứng với thị trường hơn. Từ đó, chủ động hơn trong việc phát triển thương hiệu tại thị trường quốc tế.
Sản phẩm hạt điều Hải Bình được thị trường Thái Lan ưa chuộng |
Thật vậy, trở về sau chuyến tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019 từ 18-22/9/2019, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Hạt điều Hải Bình (tỉnh Gia Lai) phấn khởi cho biết, sau thời gian đàm phán, doanh nghiệp này đã xuất đơn hàng đầu tiên qua hệ thống siêu thị của Central Group tại Thái Lan. Lượng xuất khẩu ban đầu dù chỉ hơn 1 tấn hàng nhưng điều đáng mừng là sản phẩm của Hải Bình đã xuất hiện trên kệ toàn bộ chuỗi siêu thị Tops (thuộc Tập đoàn Central Group) trên đất Thái Lan.
“Vào tháng 9 năm ngoái, Hải Bình đã ký kết hợp tác để phân phối sản phẩm vào siêu thị Big C Việt Nam thuộc Tập đoàn Central Group Việt Nam. Nhờ vậy, hạt điều Hải Bình đã dần khẳng định được thương hiệu của mình và trở thành “đòn bẩy” giúp công ty thâm nhập vào các chuỗi siêu thị khác… Cũng chính việc hợp tác với Tập đoàn Central Group Việt Nam đã giúp sản phẩm của Hải Bình có cơ hội xuất khẩu qua Thái Lan” – ông Lâm cho hay.