Hội nghị TW5, Khóa XII tiếp tục khẳng định vai trò của Kinh tế tư nhân |
Ts. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, ở Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác và chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước. Năm 2002 đóng góp của KTTN chiếm 27%, năm 2010 chiếm 42.96%, năm 2015 chiếm 43.22%. KTTN cũng đóng góp 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Khu vực này đã thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hàng năm tạo ra khoảng 1 triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng, xây dựng khung pháp lý thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có thành phần KTTN phát triển. Doanh nghiệp tư nhân đã dễ dàng hơn nhiều trong việc đăng ký kinh doanh, nhờ đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, áp dụng đăng ký kinh doanh trực tuyến và đưa ra các quy định về quản trị doanh nghiệp gần hơn với thông lệ quốc tế, sự đối xử khác biệt về mặt pháp lý đối với DN Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã cơ bản dỡ bỏ. Nhận thức về kinh tế tư nhân đã có sự chuyển biến vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được coi trọng.
Các Nghị quyết của Đảng đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển |
Trở lại thời gian trước Đại hội Đảng VI (1988), kinh tế cá thể, hộ gia đình (một dạng của KTTN) vẫn tồn tại, phát triển nhưng lại chưa từng được công nhận mà chỉ được coi là thành phần kinh tế khác phi xã hội chủ nghĩa (XHCN), sau này có cải tiến hơn gọi là kinh tế ngoài quốc doanh.
Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, sở dĩ có tình trạng này là do trước thời kỳ đổi mới, đường lối kinh tế của Đảng ta là xây dựng một nền kinh tế quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội với cơ cấu kinh tế một thành phần – XHCN – gồm hai bộ phận, quốc doanh và tập thể, được quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Kể cả đến Đại hội VI, mốc khởi xướng công cuộc đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần nhưng KTTN vẫn chưa được thừa nhận. Văn kiện Đại hội VI đã ghi rõ: “đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích lũy tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn nước ngoài, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”
Tuy nhiên, trước hiện thực khách quan, tư duy lý luận và quan điểm đường lối của Đảng đã có thay đổi thông qua các văn kiện của Đảng đã từng bước đề cập tới KTTN. Cụ thể, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, khẳng định KTTN được phát triển không hạn chế về địa bàn, quy mô, trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI) xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó đổi mới cơ bản cách thức quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã tạo động lực cho KTTN trong nông nghiệp hồi phục và phát triển năng động, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa.
Đặc biệt, từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1992) KTTN đã được coi trọng và khuyến khích phát triển, trong đó nhấn mạnh: “Bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm đảm bảo cho KTTN được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do Luật định”. Đến Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, lần đầu tiên, vấn đề phát triển KTTN đã được đưa ra thảo luận trong một chuyên đề riêng và có một Nghị quyết riêng. Đây là một bước tiến đáng kể về tư duy lý luận và quan điểm, đường lối kinh tế của Đảng ta, thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nên động lực và sự yên tâm cho các doanh nhân và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật.
Mục tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TW đến 2020 phấn đấu sẽ có hơn 1 triệu doanh nghiệp |
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017), KTTN tiếp tục được Đảng ưu tiên phát triển với mục tiêu đưa nó "thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" với mục tiêu "... đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp"; Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt khoảng 50% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và khoảng 60 - 65% năm 2030; Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển KTTN. Trong đó thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN. Nghĩa là cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng "chung tay" xây dựng, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho KTTN phát triển, cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng và được hỗ trợ, tiếp cận mọi nguồn lực như các thành phần kinh tế khác.
Có thể nói, Nghị quyết là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực KTTN và toàn bộ nền kinh tế. Nghị quyết sẽ là sự khơi nguồn cho sự đổi mới; là cơ sở để các lực lượng KTTN trước đây bị kìm hãm hoặc bị hạn chế được bung ra, phát triển mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.