Một chương trình tọa đàm về thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân do Vuasanca tổ chức. Ảnh Cấn Dũng |
Thay đổi tư duy quản lý
Theo nghiên cứu riêng của tác giả, hiện thành phần KTTN ở nước ta có 3 dạng chủ yếu: (1) DNTN chuyển đổi từ công ty nhà nước; (2) Các doanh nghiệp do tư nhân thành lập; (3) Các hộ kinh doanh cá thể trong mọi lĩnh vực. Ngoại trừ một số ít các tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp lớn có tiềm lực, còn đa phần là các thành phần KTTN khác, đặc biệt là DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ lớn mạnh; các hộ kinh doanh lớn lên thành doanh nghiệp?
TS. Lương Hoài Nam cho rằng, trước hết phải đẩy mạnh và nhanh hơn nữa về cải cách thể chế, khung pháp lý, cơ chế, chính sách đồng bộ trên cơ sở tôn trọng "nguyên tắc thị trường" nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ thực chất toàn diện từ lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển. Khắc phục triệt để tình trạng các doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh tế. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; Song song với đó là nâng cao năng lực quản trị; đào tạo nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên cho khu vực tư nhân.
Ở góc độ nhà nghiên cứu, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phân tích thêm, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển doanh nghiệp nói chung và các thành phần kinh tế đó là thể chế. Đây là câu chuyện lớn và cần có lộ trình. Nhưng nếu có sự quyết tâm, quyết liệt, ý chí chính trị của người đứng đầu đến cả bộ máy chúng ta sẽ làm được. Trong đó cần tập trung vào việc cải tổ bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng phù hợp với nền kinh tế thị trường hội nhập; xây dựng đội ngũ công chức theo tinh thần Chính phủ phục vụ và xây dựng cách ứng xử giữa nhà nước với thị trường và với doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục điều kiện kinh doanh, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, dù đã đạt được những kết quả nhất định cần quyết liệt hơn nữa đặc biệt đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian, chi phí cho DN và người dân; giải quyết tận gốc vấn đề và tránh tình trạng "một cửa nhiều khóa".
Công tác cải cách hành chính cần đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh Cấn Dũng |
Chặn đứng tư duy tiêu cực
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, để thay đổi nhận thức sơ cứng của bộ máy, làm chậm bước tiến chung của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cần xây dựng một bộ máy quản lý tốt trong một thị trường nguồn nhân lực cạnh tranh. Có như vậy chúng ta sẽ có cán bộ tốt, có năng lực, trách nhiệm và sự tận tâm; loại bỏ sự lạm dụng quyền lực và sự xin cho. Nhưng muốn vậy phải có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ quản lý, trả lương như thế nào để họ đảm bảo cuộc sống, tránh tình trạng tham nhũng vặt bởi xét cho cùng họ cũng là con người.
Còn ông Võ Trí Thành cho rằng, để giải quyết cơ chế xin cho, tránh tiêu cực hay câu chuyện lợi ích bên cạnh chính sách đãi ngộ "đàng hoàng", cần tự do hóa trong chính sách thương mại, đi kèm với đó là các chế tài nghiêm minh. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào nhận thức, tầm nhìn, trách nhiệm xã hội của cán bộ.
Điều đáng mừng là ngay sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Quốc hội cũng đã họp và thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là hy vọng thúc đẩy KTTN. Theo đó, có nhiều quy định cụ thể với hàng loạt hỗ trợ về các loại thuế; mặt bằng; tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ; ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên môn; hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, thị trường...
Bên cạnh đó, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển KTTN. Đơn cử như việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh; xây dựng cổng thông tin Chính phủ với doanh nghiệp - người dân; rà soát, giảm thuế, phí kinh doanh cho doanh nghiệp; giảm bớt kiểm tra chuyên ngành...
Đã và sẽ có nhiều ý kiến đưa ra nhưng tôi mượn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phát triển KTTN để kết thúc loạt bài viết này. Ông nói: “Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển”. Hay nói một cách ngắn gọn để phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần một chính sách minh bạch, công chức tận tâm, doanh nhân hết lòng. |
TIN LIÊN QUAN | |