Trong đó, năm 2018, tỉnh Thái Nguyên dự kiến hỗ trợ 5,4 tỷ đồng để sản xuất, cung ứng 3.600 tấn muối i-ốt chống bướu cổ cho người dân thuộc 124 xã vùng dân tộc và miền núi. Công ty cổ phần (CP) Muối i-ốt và Công ty CP Thương mại tổng hợp Thái Nguyên có nhiệm vụ sản xuất muối và Công ty CP Phát triển Thương mại Thái Nguyên có nhiệm vụ cung ứng muối. Tổng số điểm bán muối i-ốt có hỗ trợ giá tại trung tâm xã, cụm xã trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi của tỉnh năm 2018 là 51 điểm, tăng 1 điểm so với năm ngoái. Việc hỗ trợ muối i-ốt nhằm hạn chế việc phát triển các loại bệnh bướu cổ, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, giảm khả năng lao động... và tạo cho người dân vùng dân tộc và miền núi thói quen dùng muối i-ốt hàng ngày. Nhờ được trợ giá muối nên bà con mua ở các điểm bán muối của huyện được giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với mua ở bên ngoài, chất lượng được đảm bảo. Năm 2018, UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Muối i-ốt Thái Nguyên sản xuất, cung ứng 2.000 tấn muối. Đến thời điểm này, công ty đã sản xuất và tiêu thụ được 700 tấn. Với giá bán ưu đãi, chất lượng đảm bảo cộng với nhận thức của người dân về tác dụng của việc sử dụng muối i-ốt nâng lên, lượng muối i-ốt tiêu thụ ngày càng tăng.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ muối i-ốt cho đồng bào dân tộc |
Trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn bộ cán bộ và người dân cư trú ở 124 xã, thị trấn được hưởng chính sách này trong thời gian 4 năm, với định mức hỗ trợ là 5kg muối i-ốt/người/năm. Trong đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa không quá 30% giá bán lẻ muối i-ốt trên địa bàn các xã vùng dân tộc (giá bán lẻ hàng năm được xác định trên cơ sở thẩm định giá của Sở Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền); hỗ trợ kinh phí quản lý, kiểm tra thực hiện. Nguyên tắc hỗ trợ thông qua các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng muối i-ốt đảm bảo giá bán tương đương mức hỗ trợ của Nhà nước trên 1 đơn vị sản phẩm, trọng lượng, chất lượng muối i-ốt đảm bảo theo quy định. Tức là, người dân khi mua muối tại các điểm bán muối theo chính sách này sẽ được mua với giá gốc tại nơi sản xuất. Để triển khai mặt hàng này, UBND tỉnh đã giao cho Ban Dân tộc, Sở Tài chính phối hợp với các ban, ngành liên quan, đồng thời giao cho các đơn vị là Công ty CP Muối i-ốt và Công ty CP Thương mại tổng hợp Thái Nguyên có nhiệm vụ sản xuất muối; Công ty CP Phát triển Thương mại Thái Nguyên nhiệm vụ cung ứng muối. Tổng kinh phí hỗ trợ là 21,6 tỷ đồng.
Với các đơn vị sản xuất, vận chuyển muối, để đảm bảo cho lượng muối đủ, an toàn đến tay người dân, thì từ khâu chọn muối đến sản xuất đóng gói vận chuyển, bảo quản được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, hàm lượng i-ốt luôn đạt 100%. Những xe vận chuyển muối không chỉ giao hàng tại chi nhánh thương mại ở trung tâm huyện mà còn vận chuyển đến các điểm đặt tại các cụm xã để thuận tiện cho người dân.
Chính sách hỗ trợ muối i-ốt đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai giai đoạn đầu từ năm 2012 – 2016 với nguồn kinh phí hỗ trợ cước, trợ giá từ ngân sách tỉnh. Mặc dù gặp một số hạn chế nhưng chính sách này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân miền núi, đảm bảo bình ổn giá thị trường, tạo điều kiện cho bà con dân tộc thói quen sử dụng muối i-ốt trong sinh hoạt hàng ngày… Qua đó, đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống bướu cổ. |