“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”
Mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ, TP. Móng Cái) - điểm đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc của đất nước cuốn hút du khách không chỉ bởi bờ cát trải dài với những con sóng bạc đầu trắng xóa, và những cánh buồm thấp thoáng trên mặt biển xa xa, mà còn bởi không khí bình dị, thanh sạch, yên bình. Trên bức phù điêu hình 3 ngọn dương vươn thẳng lên trời còn ghi những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:“... Từ Trà Cổ rừng dương - Đến Cà Mau rừng đước...”. Chỉ bình dị vậy thôi nhưng đủ khiến những con người nhỏ bé giữa mênh mông đất trời và biển cả vùng biên giới cảm thấy khoảng cách giữa miền Đông Bắc và cực Nam của Tổ quốc như ngắn lại, trách nhiệm với đất nước, chủ quyền như lớn lao hơn.
Mũi Sa Vĩ - vị trí địa đầu Tổ quốc |
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mũi Sa Vĩ, Phó bí thư Thành ủy Móng Cái Hồ Đức Quang thông tin, Móng Cái là thành phố biên giới địa đầu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước; có trên 78,4 km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc; có cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các điểm thông quan hàng hóa dọc tuyến biên giới. Hiện, đây là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Quảng Ninh, là cửa ngõ giao lưu với nước bạn Trung Quốc và quốc tế, đồng thời là địa bàn động lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các địa phương trong khu vực.
Đồng chí Nguyễn Văn Đô - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội TP. Móng Cái chia sẻ thêm, xác định những tiềm năng lớn – lợi thế so sánh mà hiếm địa phương nào có được, Móng Cái đã đẩy mạnh công tác dân vận nhằm phát huy thế mạnh địa phương. "Phương châm công tác dân vận của Móng Cái là làm sao để “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đặc biệt là “dân thụ hưởng”. Làm tốt 5 tiêu chí thì các hoạt động sẽ thành công” – ông Nguyễn Văn Đô cho hay.
Theo đó, tất cả những chủ trương - cơ chế - chính sách của thành phố đều được tuyên truyền ngay từ đầu để người dân hiểu, đồng thuận và làm theo. Đơn cử, với thế mạnh địa phương, Móng Cái xác định giải pháp duy nhất để phát triển kinh tế là thương mại dịch vụ, du lịch và tích cực tuyên truyền chủ trương này cho người dân được biết. Đặc biệt, năm 2012, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg về việc thành lập khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng giúp người dân, doanh nghiệp (DN) hiểu rõ những cơ chế đặc thù cao nhất mà Móng Cái được hưởng, từ đó tìm hướng đầu tư để tận dụng ưu đãi.
Nét bình yên vùng biên giới... |
“Điểm nhấn” trong công tác tuyên truyền về du lịch của TP. Móng Cái là Hội thi người giới thiệu hay nhất về Móng Cái được tổ chức liên tục trong 2 năm gần đây nhằm giới thiệu 4 tuyến, 15 điểm du lịch của thành phố thông qua mạng xã hội. Thí sinh được giải không chỉ đáp ứng yêu cầu về mức độ hiểu biết các điểm du lịch, sự linh hoạt và sinh động khi thuyết trình mà còn nhờ lượng tương tác lớn trên mạng xã hội, từ đó quảng bá tiềm năng du lịch địa phương.
Đặc biệt, những năm gần đây, chương trình đồng hành cùng DN được TP. Móng Cái quan tâm bằng cách tổ chức định kỳ Hội nghị đối thoại với DN 3 tháng/lần. Từ năm 2018, thành phố đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cà phê DN và duy trì sinh hoạt sáng chủ nhật mỗi tuần để tập trung thảo một chủ đề. “CLB được tổ chức với hình thức trao đổi thân tình, không phải hội nghị hành chính nên DN dễ dàng bộc bạch những khó khăn, suy nghĩ, vướng mắc của mình” – ông Đô cho hay.
Dân biết, dân bàn là như vậy. Còn để đạt tiêu chí dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng, tất cả những quy hoạch định hướng phát triển trước khi thông qua đều được người dân bàn bạc và cho ý kiến kỹ càng. Khi tư tưởng được khai thông, người dân luôn tuân thủ đúng chủ trương, chính sách, sẵn sàng nhường đất cho các dự án công cộng.
Nhờ đó, trong giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, tổng giá trị hàng hóa qua cửa khẩu đạt 16.529,7 triệu USD, tăng 1,2 lần so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 đạt 9,2%; năm 2017 đạt 14,6%; bình quân 3 năm đạt 12,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ lệ ngành thương mại, dịch vụ chiếm 58,7%; công nghiệp – xây dựng chiếm 30,3%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt trên 1.800 tỷ đồng, cả giai đoạn ước tăng 10,2%/năm, tăng trên 10% dự toán tỉnh giao.... thu nhập và chất lượng sống người dân không ngừng tăng lên, cho thấy mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương đang đi đúng hướng.
Đẩy mạnh ngoại giao nhân dân
Kinh tế cửa khẩu Móng Cái phát triển mạnh |
Nằm sát biên giới Trung Quốc, Móng Cái có lợi thế để phát triển xuất nhập khẩu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều lo ngại với công tác chống buôn lậu, quản lý biên giới, phòng chống tội phạm qua biên giới… Giảm thiểu những nỗi lo này, đồng chí Hồ Đức Quang cho biết, công tác đối ngoại trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác với thành phố Đông Hưng và khu Phòng Thành (Trung Quốc) trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các hoạt động đối ngoại, quản lý biên giới, phòng chống tội phạm qua biên giới, phát triển du lịch, thương mại… 6 tháng đầu năm 2018, chính quyền nhân dân hai bên đã tổ chức 12 đoàn đại biểu thành phố với tổng số 115 lượt người đi công tác nước ngoài theo chương trình Thỏa thuận hợp tác giao lưu hữu nghị giữa thành phố Móng Cái và Đông Hưng.
“Không đơn thuần là các hoạt động ngoại giao giữa hai thành phố, Móng Cái và Đông Hưng còn triển khai các chương trình hợp tác giữa xã với xã, bản với bản. Nhờ đó, mối quan hệ giữa người dân hai nước rất tốt, tạo điều kiện giữ vững trật tự an ninh khu vực biên giới” – đồng chí Hồ Đức Quang cho hay.
Đồng chí Hồ Đức Quang thông tin thêm, ở những giai đoạn nhạy cảm như dự thảo Luật Đặc khu được đưa ra lấy ý kiến hoặc sự việc giàn khoan 981 trước đây, có tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình, có ý định tụ tập gây rối trật tự công cộng. Theo đó, song song với việc liên tục tuyên truyền để người dân thành phố hiểu được bản chất vấn đề, đáp trả lại những luận điệu sai trái kích động lan tràn trên mạng xã hội, thành phố cũng thường xuyên giám sát, theo dõi để phát hiện, ngăn chặn tụ tập đông người trái pháp luật.
Thành phố cũng thường xuyên làm việc với các DN Trung Quốc, tiểu thương hoạt động tại các khu chợ để trấn an tinh thần và cam kết giành cho họ môi trường an toàn, thuận lợi để kinh doanh.
Phó Bí thư Thành ủy Móng Cái - Hồ Đức Quang: Cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, thành phố lại đạt một mốc phát triển mới. Nếu năm 1988, huyện Móng Cái còn nghèo và phụ thuộc hoàn toàn vào tỉnh thì đến năm 1998, đạt đủ tiêu chuẩn trở thành thị xã. 10 năm sau đó, năm 2008, Móng Cái trở thành thành phố đô thị loại 3 và năm 2018 trở thành thành phố đô thị loại 2. Công tác dân vận đã và đang góp phần rất tích cực cho kết quả này. |
Kỳ II: Ấn tượng những tấm gương dân vận khéo