Kỳ 1: Phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên |
Xóa “điểm nghẽn” Vàng Lầy
Gây ấn tượng ngay lập tức với chúng tôi bằng mái tóc trắng như cước, làn da hồng hào, đôi mắt tinh anh và đôi chân nhanh thoăn thoắt, lần đầu gặp mặt, khó ai có thể tin rằng ông Nguyễn Ngọc Điện – Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường Trần Phú đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm - 81 tuổi. Trong suốt 57 năm tuổi Đảng của ông, một thời gian dài ông gắn bó với công tác dân vận. Khi được hỏi bí quyết để thành công và gắn bó lâu dài với hoạt động được đánh giá là không hề đơn giản này, ông cười rồi trả lời ngắn gọn: “Phải kiên trì, khéo léo, có phương pháp. Hơn cả, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu”.
Ông Nguyễn Ngọc Điện chia sẻ về kinh nghiệm làm công tác dân vận |
Ông kể, trong những năm dài gắn bó với công tác dân vận, việc vận động người dân ở xóm Vàng Lầy (khu phố 1 – phường Trần Phú) giao lại đất cho chính quyền để lại trong ông rất nhiều ấn tượng. Theo đó, năm 1996, UBND phường Trần Phú đã cho 75 hộ dân nghèo làm việc tự do, buôn bán nhỏ lẻ mượn khu đất xóm Vàng Lầy (khu phố 1 – phường Trần Phú) để làm nơi cư trú tạm. Khu vực người dân ở tạm là đất công, thuộc đất quốc phòng, nằm ở vành đai biên giới quốc gia.
Đến năm 2017, khi thành phố Móng Cái phấn đấu lên thành phố đô thị loại 2, bộ mặt đô thị phải chỉnh trang lại thì khu vực Vàng Lầy này cũng được yêu cầu phải giải phóng. Tuy nhiên, hơn 20 năm sinh sống tại đây đã khiến nhiều người dân không muốn rời đi. Đặc biệt là các hộ buôn bán gần biên giới bởi đây là nơi rất thuận tiện cho việc kinh doanh.
Để vận động người dân trả đất cho chính quyền, đầu tiên, ông Điện cùng một số đồng chí trong Tỉnh ủy, chính quyền phường đến vận động người dân chủ độngthực hiện . Những hộ tích cực vận động trước làm gương. Kết thúc đợt đầu, chỉ có 10/76 hộ đồng ý chuyển đi.
“Có hộ lấy lý do chưa thuê được nhà, có hộ đã ký vào biên bản đồng ý rồi nhưng đến ngày lại lấy lý do sang bên kia biên giới lấy hàng nên chưa chuyển. Cá biệt, có một số hộ gia đình lấy rất nhiều lý do để lần lữa chuyển đi” - ông Điện cho hay.
Bộ mặt đô thị Móng Cái khang trang một phần nhờ công tác dân vận |
Bắt đầu từ đó, ròng rã ngày nắng cũng như ngày mưa, đội dân vận kiên nhẫn đến từng hộ dân, phân tích cho họ hiểu chủ trương xây dựng thành phố thành đô thị loại 2 là đúng đắn và rất cần sự đồng thuận của người dân. Hộ nào chủ gia đình là người già thì cử người đứng tuổi đến vận động. Hộ gia đình trẻ thì Hội phụ nữ, đoàn thanh niên vào cuộc… Những hộ gia đình lấy lý do không có thời gian và tiền bạc để di chuyển đến chỗ ở mới thì được phường hỗ trợ nhân công, phương tiện vận chuyển đến hỗ trợ. Một lần chưa được thì 2 lần, 3 lần, 4 lần… Cứ thế, cứ thế, mưa dầm thấm lâu, nhà này nhìn nhà kia đến nơi ở mới khang trang, sạch sẽ và ổn định hơn cũng đi theo. Sau gần 5 tháng, chỉ còn duy nhất một hộ gia đình là người đàn ông neo đơn, 85 tuổi, sống một mình trong căn nhà tạm.
“Riêng với trường hợp này, tôi dành nhiều thời gian đến tìm hiểu hoàn cảnh riêng. Những ngày đầu, tôi đến là ông ấy tránh mặt, không tiếp, hoặc cáo ốm. Nhưng bằng sự nhẹ nhàng, thấu hiểu, cộng với việc xung quanh bãi đất rộng lớn chỉ còn duy nhất ngôi nhà tạm của mình, dần dần, người đàn ông đó mở lòng hơn và chia sẻ về hoàn cảnh đáng thương của mình” - ông Điện bồi hồi nhớ lại: “Sau nhiều năm cách biệt với lý do riêng, người đàn ông đó đã trở về quê để tìm lại gia đình nhưng không được đón nhận. Từ đó, ông mới quyết tâm bám lại Vàng Lầy, xây nhà tạm để ở và cho một số tiểu thương thuê lấy tiền sống qua ngày. Với trường hợp này, tôi đã đề nghị địa phương không những hỗ trợ vận chuyển, sắp xếp đồ đạc mà còn giúp tìm một nơi thuê ổn định”. Tròn 5 tháng, toàn bộ 75 hộ dân đồng ý chuyển đi, trả lại Vàng Lầy toàn bộ vùng đất sạch.
Cải thiện bộ mặt đô thị
Cũng là một trong những tấm gương dân vận khéo của phường Trần Phú, ông Trần Ngọc Đông - Trưởng Ban công tác mặt trận kiêm Phó trưởng khu phố 3 - phường Trần Phú lại là người có công rất lớn trong việc đưa khu phố 3 trở thành khu phố kiểu mẫu đầu tiên của toàn thành phố.
Ông Trần Ngọc Đông không giấu niềm vui khi bộ mặt khu phố 3 ngày càng khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Phạm Tiệp) |
Mang đậm những nét đặc trưng của người dân Móng Cái với nụ cười thân thiện, giọng nói sang sảng, dẫn chúng tôi đi thăm khu phố 3, ông Trần Ngọc Đông không giấu nổi niềm tự hào khi khoe những dãy vỉa hè lát đá xám sạch tinh tươm; những rặng cây hoa vàng bắt đầu bén rễ. Ông kể, những năm trước đây, cứ vào mùa mưa bão, khu phố 3 lại ngập đến bắp chân người lớn. Trẻ con đến trường vất vả, thương nhân kinh doanh gặp khó khăn, khách du lịch ngại ngùng khi đến với Trần Phú.
Hưởng ứng chủ đề công tác năm 2017 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tập trung chỉnh trang đô thị”, khu phố 3 đã quyết tâm đi đầu trong hoạt động chỉnh trang đô thị, phấn đấu đạt tiêu chuẩn thành phố đô thị loại 2.
Theo đó, ông Trần Ngọc Đông đã đến từng nhà, vận động người dân góp tiền để làm lại hệ thống vỉa hè, chấm dứt tình trạng ngập úng vào mùa mưa, đồng thời chỉnh trang khu phố khang trang, sạch sẽ. “Hoạt động này không hề dễ dàng bởi không nhiều người dân hưởng ứng. Họ nghĩ, đường là của Nhà nước, tại sao tôi lại phải bỏ tiền để làm?” - ông Đông kể.
Do đó, công tác dân vận đã được triển khai mạnh mẽ, khéo léo khi được lồng ghép liên tục vào các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố, giải thích cho người dân rõ trách nhiệm, lợi ích của mình trong việc chỉnh trang đô thị và trực tiếp lấy ý kiến của người dân. Cán bộ được vận động đi trước làm gương. Đồng thời, ông Trần Ngọc Đông cùng lực lượng hội phụ nữ, đoàn thanh niên, chi bộ phường tiếp tục đến từng nhà, vận động đảng viên là lực lượng đầu tiên hưởng ứng chủ trương chung, chủ động góp tiền làm vỉa hè.
Từ những vỉa hè đầu tiên được xây dựng khang trang, sạch sẽ, cao ráo, nhà đua nhà, người đua người xây dựng theo. Đợt đầu, có 8/45 hộ đồng ý bỏ tiền làm vỉa hè. Công tác dân vận đến đây đã thành công bước đầu.
Toàn bộ vỉa hè khu phố 3 được làm bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Phạm Tiệp |
“Ngoài các hộ gia đình đầu tiên có ý thức tương đối cao, nhiều hộ khác lấy lý do không có tiền để làm vỉa hè. Với các hộ này, tôi sẵn sàng bỏ tiền túi cho vay, không lấy lãi, không đòi phải trả sớm” - ông Trần Ngọc Đông cho hay.
Từ 8 hộ gia đình ban đầu, khi tất cả khó khăn được tháo gỡ, toàn bộ 45 hộ dân khu phố 3 đã đồng thuận chủ trương và chấp nhận “xắn tay” cùng địa phương xây dựng hệ thống vỉa hè của khu phố. Trung bình, mỗi hộ bỏ ra khoảng 7 - 8 triệu đồng, nhưng cá biệt có hộ đã chủ động bỏ ra 250 triệu đồng.
Cùng với việc làm đẹp đô thị, chống úng ngập, việc xây dựng hệ thống vỉa hè khang trang còn giúp nhiều hộ gia đình tăng giá bán đất/giá thuê đất lên gấp 2,3 lần so với trước đó. Khách du lịch đến với phường Trần Phú nhiều hơn, tạo nguồn thu trực tiếp cho người dân và ngân sách. “Riêng số tiền tôi bỏ ra cho người dân vay giờ cũng thu lại gần hết. Người dân thấy cái lợi, họ sẽ chủ động làm theo” - ông Đông hóm hỉnh kể. Từ cách làm thành công của khu phố 3, người dân toàn phường đồng thuận phấn khởi, nên phong trào ngày càng có sức lan tỏa nhanh, trở thành phong trào tiêu biểu trên địa bàn các phường trung tâm. Năm 2017, riêng 3 phường trung tâm đã vận động 40 tỷ đồng chỉnh trang đô thị. Năm 2018 cũng dự kiến vận động đạt trên 40 tỷ đồng để chỉnh trang vỉa hè theo thiết kế mẫu.
Từ một chủ trương đúng, cách làm hiệu quả, cộng với sự nhiệt tình, khéo léo và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, công tác dân vận ở Móng Cái đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Từ đó, khẳng định rõ nét hơn lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Hàng năm, TP. Móng Cái thường xuyên tổ chức tổng kết và khen thưởng các tấm gương dân vận khéo tiêu biểu. Đây là động lực quan trọng để khuyến khích người dân thực hiện tốt công tác dân vận tại địa phương. |