Là nền kinh tế có độ mở cao, trong suốt quá trình đổi mới và nhất là trước những biến động như cuộc xung đột Nga – Ukraine, Việt Nam đã có giải pháp gì để bảo đảm an ninh năng lượng? ----- |
Nhìn lại quá trình phát triển đất nước, Việt Nam luôn coi trọng vấn đề chiến lược an ninh năng lượng vì đây là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế - xã hội. Trước hết phải nói về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời về ngành năng lượng. Cụ thể, chỉ sau ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo khôi phục các nhà máy điện, khôi phục hệ thống giao thông và cung ứng than từ Mạo Khê (Quảng Ninh) và Thái Nguyên. Trong cả quá trình từ 1945 đến 1965, Người đã nhiều lần gửi thư và đến thăm vùng mỏ, một mặt để thăm hỏi động viên, tiếp sức thêm cho những người thợ mỏ, hăng hái, tăng gia sản xuất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nhưng mặt khác cũng thể hiện sự quan tâm của Người đến ngành năng lượng quan trọng cho đất nước. Ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ. Bác căn dặn: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. |
Ngày 16/5/1955, ngay thời điểm miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí. Trong chuyến thăm Đông Âu năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm giàn khoan dầu của Rumani và nhà máy lọc dầu ở Bulgari. Đặc biệt, trong chuyến thăm Liên Xô, ngày 23/7/1959, khi tới thăm khu công nghiệp dầu khí ở Bacu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Azerbaijan rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu"… Một chi tiết nhỏ khác cũng cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tiết kiệm năng lượng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác đã luôn nhắc nhở, động viên những người lính vận tải phải “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Hay trong các chuyến thăm, nói chuyện với công nhân ngành điện, thợ mỏ, Bác luôn căn dặn phải thi đua sản xuất, phải tiết kiệm. |
Sự quan tâm đặc biệt đến 3 ngành than, điện, dầu khí đã thể hiện quan điểm, tư tưởng và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam về tầm quan trọng của ngành công nghiệp năng lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là kim chỉ nam cho Việt Nam trong việc xây dựng nền năng lượng tự chủ, tự cường và vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ công nhân ngành điện ngày 21/12/1954, Người căn dặn: “Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác” hay “Hiện nay, miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hoà bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một kilôoát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ”. |
Sau năm 1975, Việt Nam đã tập trung phát triển ngành năng lượng bao gồm điện, than, dầu khí. Đối với ngành dầu khí, trên cơ sở tiếp quản và tài liệu từ chính quyền Sài Gòn, ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất tại Sài Gòn đã xác định đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt Việt Nam. Ngày 6/8/1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Kể từ sau Đại hội Đảng VI đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về ngành dầu khí tiếp tục được hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí đã hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, tàng trữ, phân phối và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí…Đến nay, chúng ta đã có 2 tổ hợp sản xuất lớn chế biến, lọc hoá dầu Bình Sơn và Nghi Sơn, đảm bảo đáp ứng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước, ngoài ra còn nhiều sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất khác. Tương tự với ngành điện, với quan điểm “Điện phải đi trước một bước”, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống điện vững mạnh. Từ chỗ nguồn điện chỉ vài ba trăm MW, lưới điện chắp vá, lạc hậu…đến nay, quy mô nguồn điện của Việt Nam đã đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 23 thế giới. Tính đến hết năm 2022, công suất đặt toàn hệ thống đã đạt khoảng gần 78.000 MW. Hệ thống nguồn điện khá đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Đã hình thành các trung tâm điện lực lớn, phân bố ở các vùng miền để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền, địa phương và cả nước. Hệ thống lưới điện truyền tải từ 110-500kV và lưới điện phân phối đã phủ khắp 63 tỉnh thành và có liên kết khu vực, đảm bảo cấp điện cho gần 100% dân số. Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về năng lượng; kế thừa những kết quả từ giai đoạn trước đó, ngày 11/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu chính là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại. |
Ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đảng, Nhà nước đã có những nhận định, chỉ đạo kịp thời nhằm ứng phó với tác động của nó đối với nền kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề năng lượng. Đặc biệt, trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nghe Báo cáo chuyên đề "Xung đột Nga - Ukraine: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra". Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 ngày 10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hội nghị đã biểu thị sự đồng tình, đánh giá cao về những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trước những diễn biến mới rất phức tạp tại Ukraine và trên thế giới; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục theo dõi sát sao tình hình; dự báo các tình huống, khả năng có thể xảy ra để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, phù hợp, có hiệu quả; giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực...” |
Về kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan khối kinh tế đã có báo cáo đánh giá tác động về kinh tế đối với kinh tế Việt Nam. Bộ Công Thương đã rà soát, đánh giá tác động và có các biện pháp ổn định xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và có giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng. Đảng ta luôn nhấn mạnh phải nâng cao năng lực tự chủ, đa dạng hoá đối tác trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài. Liên quan đến xây dựng hạ tầng năng lượng để tự chủ nguồn cung, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu tại Dung Quất phù hợp với Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và cần thiết cho việc phát triển ngành dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực tế hiện nay, cả nước đang dần hình thành 3 trung tâm lọc hóa dầu lớn tại miền Bắc (Thanh Hóa), miền Trung (Quảng Ngãi) và miền Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu). Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể về các trung tâm lọc hóa dầu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. |
Để chủ động ứng phó, nhiều cuộc toạ đàm liên quan đến tác động từ cuộc Xung đột Nga - Ukraine cũng đã được tổ chức. Chia sẻ tại Tọa đàm "Xung đột Nga – Ukraine: Dự báo biến động và giải pháp quản trị của PVN", ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đánh giá, xung đột kéo dài dẫn đến nhiều rủi ro cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của PVN. Còn ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, một trong các hệ lụy rõ nhất từ cuộc xung đột là giá năng lượng và lạm phát cao, làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. TS Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Theo TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhìn bề ngoài, có vẻ Việt Nam không chịu nhiều tác động từ cuộc xung đột Ukraine – Nga nhưng thực tế nó tác động đến giá than và giá dầu toàn cầu. Đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến năng lượng trong nước bởi chi phí sản xuất điện, xăng dầu sẽ tăng lên. Nghiên cứu của EVN và các chuyên gia tính toán rằng, nếu giá than chỉ tăng 1% thì chi phí mua điện tăng 228 tỷ đồng. Nếu giá dầu thô Brent tăng 1% thì chi phí mua điện tăng khoảng 149-150 tỷ đồng. |
Từ cuối năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về công tác đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế hậu covid-19 với tinh thần “chủ động, thích ứng, linh hoạt”. Song song với các chỉ đạo về hoàn thiện khung khổ pháp lý, là những chỉ đạo cụ thể về nguồn cung điện, than, xăng dầu. Đơn cử như ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1813/CĐ-TTg, về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo. Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. |
Vấn đề đảm bảo nguồn cung than, điện, xăng dầu cũng đã được Thủ tướng, các phó Thủ tướng nhiều lần đề cập trong các cuộc họp thường trực Chính phủ, họp Chính phủ thường kỳ. Điển hình là Kết luận của Thường trực Chính phủ tại văn bản số 108/TB-VPCP ngày 13/4/2022, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 200/TB-VPCP ngày 9/7/2022, Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022; Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhắc nhở: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội… Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, để hành động thực hiện bằng được mục tiêu này. Với vai trò là bộ quản lý ngành, đối với lĩnh vực điện lực, căn cứ các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, dự báo tình hình trong nước, ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3063/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan đến nguồn cung than trong nước và nhập khẩu cho sản xuất điện, huy động các nguồn điện, vận hành an toàn hệ thống truyền tải. |
Trước nguy cơ thiếu than cho điện, dù bận nhiều công việc và tham gia công tác nước ngoài nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương đã liên tục có các chỉ đạo bằng văn bản, hay yêu cầu triệu tập nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến tìm cách tháo gỡ khó khăn cho than, điện; Đẩy mạnh việc tiếp xúc, đàm phán quốc tế như Úc, Nam Phi…để tăng nguồn cung nhập khẩu than; chỉ đạo EVN tăng cường đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện; đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện để nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc; Làm việc với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn về thủ tục, giải phóng mặt bằng cho các dự án nguồn và lưới điện. Song song đó, Bộ Công Thương cũng tập trung triển khai và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luât. Tập trung hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII trên cơ sở bám sát chủ trương định hướng của Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết COP26; ban hành các cơ chế chính sách cho nguồn điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp; cơ chế giá điện… |
Đối với vấn đề xăng dầu, trước và sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chủ động nắm bắt, phát hiện sớm những vấn đề về nguồn cung và giá cả xăng dầu có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trong nước cũng như sinh hoạt của nhân dân…để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm (1) Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; (2) Điều hành giá xăng dầu trong nước và sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hiệu quả; (3) Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; (4) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, về công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong công tác điều hành bám sát thị trường, kịp thời điều chỉnh, phân giao bổ sung hạn mức nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các doanh nghiệp. Một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu cho thị trường đã được Bộ Công Thương kịp thời kiến nghị, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý như việc rà soát các chi phí để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; tạo điều kiện về thủ tục hải quan cho nhập khẩu xăng dầu; có chính sách hỗ trợ về vốn vay, nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... Bên cạnh chỉ đạo bằng văn bản, Bộ Công Thương đã triệu tập nhiều cuộc họp, trong đó có những cuộc họp khẩn để bàn các giải pháp, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung. Đối với việc xử lý vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ đã chủ động, kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề của Nhà máy theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; Theo dõi sát sao, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường nguồn cung xăng dầu, bù đắp thiếu hụt trong trường hợp Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp sự cố, phải giảm sản lượng sản xuất. Phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy. Cụ thể, tháng 1/2022, nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp khó khăn trong sản xuất, lãnh đạo Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc, một mặt yêu cầu doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề nội tại, cũng như thực hiện trách nhiệm của nhà máy theo quy định của pháp luật và cam kết trong các hợp đồng kinh tế; Mặt khác đề xuất các giải pháp nhập khẩu đảm bảo nguồn cung. Tháng 2/2022, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo 2 nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn, Nghi Sơn tăng công suất, Bộ Công Thương triệu tập cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để bàn các giải quyết nguồn cung. Ngày 24/2/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước. |
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã nỗ lực duy trì sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3/2022. Trong Quý III/2022, nhà máy vận hành ổn định và đạt 100% kế hoạch sản lượng cung cấp ra thị trường theo khối lượng đã báo cáo với Bộ Công Thương và cam kết với các Bên bao tiêu sản phẩm. Trong tháng 10 nhà máy đã vận hành ở công suất trung bình 103,5%. Tháng 11 và 12, nhà máy tiếp tục duy trì vận hành 100% công suất theo thiết kế và ước tính sản lượng xăng dầu trong Quý IV/2022 là 1.901.399 tấn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. |
Còn tại Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất, đã tăng công suất trong các tháng đầu năm đạt 107%, Trong tháng 10 đã tăng thêm công suất vận hành lên 109%. Từ ngày 5.11, nhà máy chính thức nâng công suất lên 112%. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết. Tính đến ngày 8/12, chỉ tiêu sản lượng của Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất đã đạt mốc kế hoạch năm 2022 là 6.499.087 tấn, về đích sớm 23 ngày và dự kiến cả năm, BSR sẽ sản xuất khoảng 7 triệu tấn sản phẩm các loại. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia (DTQG) về xăng dầu theo chỉ đạo của Quốc hội, ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp rà soát, thảo luận và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét: (i) Việc nâng mức xăng dầu DTQG là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. (ii) Về mức tăng DTQG xăng dầu: Phù hợp với khả năng cân đối của NSNN hàng năm trong giai đoạn và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các DN trong bối cảnh xăng dầu DTQG chưa có kho bảo quản riêng. Ngày 31/3/2022 Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu. Cũng trong tháng 3/2022, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/BCSĐ, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương để thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức quản lý nhà nước trong điều hành kinh doanh xăng dầu”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công điện chỉ đạo quản lý thị trường kiểm tra, giám sát cửa hàng xăng dầu phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu; Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát về công tác kinh doanh phân phối xăng dầu. Trước những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về vấn đề chiết khấu, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị nhiều lần với Bộ Tài chính tháo gỡ; Đề xuất Chính phủ, Quốc hội giảm thuế, phí xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Gần đây nhất, ngày 21/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với 2 nội dung quan trọng về Kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 và rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với nhiều nội dung quan trọng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, cùng chung tay với Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp tập đoàn năng lượng như EVN, PVN, TKV và các doanh nghiệp xăng dầu, điện khác đã có nhiều nỗ lực giải quyết khó khăn. Bên cạnh các cuộc họp chỉ đạo tăng cường sản xuất kinh doanh, các đơn vị đã tổ chức nhiều hội nghị, toạ đàm để tham vấn ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, năng lượng từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả. |
Có thể thấy, cuộc xung đột Nga- Ukraine đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt, xăng dầu của Nga; ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu. Cuộc sống của người dân nhiều nơi trên thế giới gặp khó khăn, thiếu thốn. Nhiều nơi bị cắt, giảm điện cho sản xuất và sinh hoạt; tạm thời cắt dịch vụ phát sóng di động và internet, đóng cửa các trường học vì thiếu năng lượng cho chiếu sáng và hệ thống sưởi, thậm chí đèn giao thông cũng có thể bị cắt tạm thời. Từ đó ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế. Tình hình thế giới là vậy, nhưng ở Việt Nam đã không xảy ra khủng hoảng năng lượng. Có được điều này là nhờ những đường hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự chủ động linh hoạt, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan...với các giải pháp hữu hiệu. Có thể khẳng định, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt chức năng quản lý đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu cho phát triển kinh tế đất nước cũng như sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhân dân tiếp tục được sử dụng năng lượng một cách bình ổn. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hệ thống điện đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt ~77.800 MW, tăng ~1.400 MW so với năm 2021. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Sản lượng điện thương phẩm đạt 242,3 tỷ kWh, tăng 7,53% so với năm 2021. |
Đặc biệt, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới tăng giá điện do chi phí sản xuất điện tăng cao nhưng ở Việt Nam, giá điện vẫ giữ ổn định giá điện từ năm 2019 cho đến nay. Theo thống kê, giá điện ở Việt Nam đứng vị trí thứ 101/147 trên thế giới. |
Trong lĩnh vực xăng dầu, cũng có 1 số thời điểm khó khăn cục bộ, nhưng nguồn cung đã được giải quyết ổn thoả thông qua những biện pháp hiệu quả từ Bộ Công Thương. Đặc biệt, giá xăng dầu bán lẻ được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an sinh. Giá xăng dầu ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Việt Nam nằm trong số 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá xăng dầu thấp nhất thế giới. Nhận định về những kết qủa chỉ đạo, điều hành, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, thực tế là thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước tăng cao đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân nhưng Chính phủ đã có những động thái kịp thời để xử lý ngay tại chỗ. |
Theo TS. Võ Trí Thành, bình ổn được mặt bằng giá là việc rất quan trọng, đặc biệt là giá để giữ được ổn định vĩ mô, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư. Giá cả ổn định cũng giúp thu nhập của người dân không bị giảm đi, từ đó yên tâm chi tiêu, đầu tư nên sẽ giúp tổng cầu tăng. Như trong năm 2022, nỗ lực kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, theo tôi, là yếu tố quan trọng nhất để kiềm chế được đà tăng lạm phát trong năm nay. Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: Phải khẳng định rằng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành và sự quyết liệt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đặc biệt, nhờ kết quả nỗ lực của Bộ Công Thương, nhất là khi Thủ tướng Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ đã khiến tình hình cung ứng xăng dầu trong nước được đảm bảo. Đặc biệt, việc giá xăng dầu không tăng quá cao là yếu tố đặc biệt giữ bình ổn giá rất nhiều mặt hàng khác. |
Với tinh thần đó, chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhờ một phần rất lớn của việc bình ổn giá xăng dầu. Cũng chính sự bình ổn đó giúp kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. |
Có thể nói, để có được sự ổn định giá xăng dầu, giá điện ở mức thấp như trên là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cơ quản lý nhà nước; quan trọng hơn là tầm nhìn chiến lược tự chủ đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tin rằng, chiến lược năng lượng tự chủ ấy sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian dài hạn. Khi chúng ta đã tính toán, chuẩn bị kỹ càng nguồn năng lượng cho tương lai. Các mục tiêu này đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị. |
Thực hiện: Nhóm phóng viên |