Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan trao đổi với phóng viên Vuasanca |
Đã rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo tỉnh và DN
Sáng kiến mô hình “Cà phê doanh nhân, doanh nghiệp” của Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2016 (trước đây là hàng tuần, hiện nay vào mỗi buổi sáng). Thông qua mô hình này, lãnh đạo tỉnh muốn rút ngắn khoảng cách giữa DN với lãnh đạo địa phương, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc cho DN, đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng muốn lắng nghe, tiếp thu ý hay về tư duy, kiến thức thị trường để áp dụng vào điều hành chính sách phát triển kinh tế. Đây là mô hình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khen lãnh đạo Đồng Tháp trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, DN không những tạo ra giá trị, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho ngân sách và góp phần an sinh xã hội, mà DN còn là một nhà tư vấn kinh tế cho địa phương. Ông lập luận rằng, trong nền kinh tế thị trường DN bị chi phối bởi các quy luật của thị trường nên họ rất am hiểu về nó. Do vậy muốn biết thị trường vận hành như thế nào thì lãnh đạo phải nắm tình hình từ DN. Chính DN mang đến nhiều ý tưởng, cơ hội và nhìn thấy tiềm năng mà lãnh đạo tỉnh không nhìn thấy.
Hẹn chúng tôi tại một quán cà phê ở Sa Đéc, ông Phạm Minh Thiện – Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May - Chủ tịch hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những năm gần đây các cấp lãnh đạo Đồng Tháp luôn đồng hành cùng DN và đã tạo được sự an tâm đối với DN, tạo được môi trường đầu tư thuận lợi giúp DN phát triển. Hội DN trẻ của tỉnh cũng thường xuyên sinh hoạt theo cách cởi mở chung với lãnh đạo tỉnh, cùng chia sẻ và cùng giúp nhau phát triển, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Ông Phạm Minh Thiện cũng cho biết, chỉ cần DN gặp khó khăn cần tháo gỡ thì lãnh đạo tỉnh sẽ gặp và giải quyết ngay chứ không phân biệt DN lớn hay nhỏ, khi chúng tôi hỏi các DN có qui mô thật nhỏ thì có được gặp lãnh đạo Tỉnh không.
Đánh giá hiệu quả thực sự của sáng kiến "Cà phê doanh nhân, doanh nghiệp", chúng tôi tìm đến ông Phan Thanh Bình – Giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Bình Loan, ông cho biết qua mô hình này đã thật sự rút ngắn khoảng cách giữa DN với các vị lãnh đạo tỉnh, không còn đứng từ xa nữa mà cùng ngồi lại với nhau trao đổi, giải quyết vấn đề không thông qua đường văn bản hành chính mà bằng những cuộc trò chuyện cởi mở, thân thiện nhưng hiệu quả.
Ông Phan Thanh Bình cũng chia sẻ thêm rằng, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các sở ngành rất quan tâm đến DN bằng những hoạt động thiết thực như hỗ trợ vốn sản xuất, cải tiến công nghệ chế biến và xúc tiến thương mại cũng như làm cầu nối cho DN phát triển, mở rộng kinh doanh sản xuất. Công ty ông Bình cũng đã được Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan trực tiếp xuống thăm và tư vấn, từ đó DN mới có hướng phát triển mở rộng quy mô sản xuất.
Tiếp tục đến gặp các DN khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được một tinh thần kinh doanh mới, hào hứng, dấn thân và hài lòng với cung cách làm việc của lãnh đạo địa phương nơi đây. Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh, ông Nguyễn Văn Bén cho biết, hiện nay DN của ông và các DN khác gặp lãnh đạo địa phương và các sở ngành rất dễ, không như trước kia rất khó, qua đó tạo môi trường làm việc rất thuận lợi và thân thiện. Còn ông Phan Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty TNHH thí nghiệm điện Seltec thì chia sẻ, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh mà các thủ tục hành chính được thuận lợi cho DN làm ăn, phát triển. Hiện tại tỉnh Đồng Tháp đã thực sự chuyển từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ, cho nên cung cách làm việc của công chức tại đây là tương đối tốt so với địa phương khác.
Ông Trần Văn Binh- Chủ nhiệm Hội quán làng hoa Sa Đéc |
Người dân được tạo điều kiện phát huy vai trò chủ thể trong liên kết kinh tế
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Chính phủ cho phép triển khai từ năm 2012. Theo đó, mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức thực hiện đề án, ngoài các giải pháp do Đảng bộ và chính quyền triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, người dân Đồng Tháp cũng đã nghĩ ra nhiều cách làm mới phù hợp với tình hình thực tế của bà con để góp phần thực hiện đề án.
Khác với mô hình “Cà phê doanh nhân, doanh nghiệp”, người dân có ý tưởng thành lập Hội quán nông dân tự nguyện để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm kỷ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, kết nối DN tiêu thụ nông sản mà không chịu sự chỉ đạo của cấp trên và do các thành viên tự quyết định. Qua hội quán, các hộ nông dân muốn tìm được tiếng nói chung để không bị thao túng bởi thương lái, đồng thời họ có thể đảm bảo được vùng nguyên liệu lớn hơn cho các DN hướng đến sản xuất công nghiệp.
Tìm hiểu về quá trình thành lập và hoạt động của hội quán nông dân này, chúng tôi tìm về xã An Nhơn, huyện Châu Thành, nơi Canh Tân hội quán được thành lập đầu tiên tại Đồng Tháp. Đến gặp ông Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm Canh Tân hội quán, ông cho chúng tôi biết: “Xuất phát từ những khó khăn của bà con trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nhãn, trong một lần Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan về tiếp xúc cử tri tại địa phương, tôi đã đề xuất ý tưởng thành lập Canh Tân hội quán và được ông Lê Minh Hoan ghi nhận. Một thời gian ngắn sau, chúng tôi nhận được chủ trương đồng ý của tỉnh cùng với bức thư pháp Canh Tân hội quán do ông Lê Minh Hoan tặng”.
Chia sẻ cảm xúc của mình, Ông Lê Thành Lộc cho biết thủ tục rất nhanh, chúng tôi rất vui và cảm động trước tấm lòng của lãnh đạo tỉnh. Hiện hội quán đang chuẩn bị thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa theo luật hợp tác xã năm 2012 với khoảng 50 thành viên.
Sau khi Canh Tân hội quán đầu tiên được thành lập ngày 3 tháng 7 năm 2016, đến nay toàn tỉnh đã có 25 hội quán ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố với 1.148 hội viên gắn với từng ngành hàng của địa phương.
Về làng hoa Sa Đéc, chúng tôi gặp ông Trần Văn Bình - Chủ nhiệm hội quán làng hoa Sa Đéc và được biết, tỉnh rất tạo điều kiện, hiện nay hội quán có 52 hội viên, các hội viên đã sản xuất ngày càng hiệu quả vì đã được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc hoa và tiếp thu những cách làm hay. Từ hội quán, bà con cũng được thông tin các chính sách của tỉnh về vốn, quỹ đầu tư để bà con tiếp cận phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhận thấy sự ra đời và mục đích hoạt động của hội quán là cần thiết cho quá trình triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nên các hội quán đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền Đồng Tháp. Đây là mô hình mà theo Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan sẽ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa nông sản uy tín, qui mô và chất lượng dựa trên phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện của người dân.
Về Đồng Tháp lần này cho chúng tôi thấy được sự đồng thuận, khát vọng, ý chí vươn lên của lãnh đạo, DN và người dân nơi đây. Vượt qua mọi rào cản về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bằng những quyết sách sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết, Đảng bộ và chính quyền Đồng Tháp đã cùng với DN và người dân từng bước tạo dựng được hình ảnh tích cực và đặc trưng của vùng đất sen hồng, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.