Tích cực trong hợp tác đa phương
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian gần đây được triển khai trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét hơn. Đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ đầu năm 2018 đến nay đã ảnh hưởng ít nhiều tới kinh tế thế giới và vẫn đang tiếp tục có những diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bắt đầu tác động tới tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Với vai trò là cơ quan phối hợp liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT) đã điều phối các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với tư cách là thành viên WTO, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động thường xuyên của WTO, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi thành viên. Đặc biệt, liên quan đến phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO, Việt Nam đã thống nhất với phía WTO về việc phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO sẽ diễn ra vào tháng 12/2020 và đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị và tiến hành phiên rà soát chính sách thương mại này.
Trong khuôn khổ APEC và ASEM, mặc dù trong năm vừa qua, các hoạt động trong diễn đàn hợp tác APEC và ASEM đã bị ảnh hưởng ít nhiều từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc... nhưng những sáng kiến, định hướng phát triển trong APEC cũng như ASEM vẫn được đánh giá là rất tương thích và cần thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, vai trò của Việt Nam trong ASEAN tiếp tục được khẳng định với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đặc biệt là tham gia hợp tác một cách toàn diện, từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực mới như bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi ta bắt đầu phải thực thi cam kết đối với một số mặt hàng theo Hiệp định ATIGA, trong khi các ngành sản xuất trong nước đối với các mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn.
Khai thác hiệu quả các FTA
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá tình hình kinh tế thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế trong nước, đồng thời khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế để góp phần cơ cấu lại nền kinh tế trong nước, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác. Nếu được phê duyệt và đưa vào thực thi đầy đủ, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước trong khu vực có được quan hệ FTA cùng lúc với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Nga và nhiều đối tác khác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các bộ, ngành phải triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các khu vực, quốc gia như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga... để giảm thiểu các ảnh hưởng của xung đột thương mại quốc tế. Đồng thời tiếp tục đa dạng hoá thị trường, quan tâm tới các khu vực mới như khối Mecosur...
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công tác hội nhập kinh tế trong thời gian tới cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế trong nước nói chung và phổ biến các FTA nói riêng tới mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt tới các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người dân, nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội cam kết mở cửa thị trường của các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường khu vực và quốc tế.
Trong đó, nhấn mạnh việc rà soát, tổng kết, đánh giá các cam kết hội nhập, trong đó tập trung đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể, thương mại xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành để rút kinh nghiệm cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới.
Nâng tầm hội nhập
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, khi tới nay, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các FTA trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, các bộ, địa phương cũng thực hiện hiệu quả công tác chuẩn bị và triển khai các cam kết trên thực tiễn.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình kinh tế thế giới đang diễn ra rất phức tạp và gay gắt. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương coi trọng, tăng cường nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế tác động tới Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì nâng cao năng lực Tổ công tác dự báo để cập nhật, báo cáo kịp thời tới Thủ tướng Chính phủ thực trạng nền kinh tế, xu hướng chuyển dịch, cấu trúc dòng thương mại thế giới nhất là các tác động tới Việt Nam. Đồng thời tiếp tục vai trò điều phối và tổ chức sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động thường xuyên của WTO. Trong đó, ưu tiên các phiên đàm phán về trợ cấp thủy sản, sự tham gia của Việt Nam trong vấn đề cải cách WTO, tham gia các phiên họp của các ủy ban và tiểu ban kỹ thuật của WTO, và thực hiện nghĩa vụ thông báo của Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, tập trung tổ chức Diễn đàn hội nhập quốc tế về kinh tế quốc tế lần thứ 3 với các nội dung cụ thể, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 72 của Quốc hội phê duyệt Hiệp định thương mại CPTPP và Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 72 của Quốc hội; tiếp tục rà soát pháp luật trong nước để chỉnh sửa cho phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế.