Hà Tĩnh cần hỗ trợ nhiều hơn để đưa hàng Việt về nông thôn Chuyến xe hàng Việt về nông thôn An Giang thu hút người dân mua sắm |
Những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức nhiều năm qua đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thông qua các phiên chợ đã tạo được hiệu quả kép khi giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đồng thời góp phần tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt cho người dân địa bàn nông thôn, miền núi.
Đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân
Phiên chợ hàng Việt tại thị trấn Kim Sơn, huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) có quy mô 20 gian hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến, rượu bia, nước giải khát, quần áo may sẵn, giày dép, túi xách, đồ dùng gia đình nhựa, nhôm; đồ gia dụng, điện tử, viễn thông, phương tiện nghe nhìn… do các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trên địa bàn Nghệ An. Đặc biệt tại phiên chợ này còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thực phẩm chế biến và các gian hàng ẩm thực, đặc sản địa phương cùng các trò chơi dân gian, truyền thống phục vụ người dân đến mua sắm, vui chơi.
Người dân địa phương mua sắm tại phiên chợ hàng Việt |
Qua ngày thứ 2 tổ chức, Phiên chợ hàng Việt tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong đã thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, vui chơi và mua sắm. Bà Lương Thị Mai, ở thị trấn Kim Sơn, vui vẻ cho biết: “Mỗi khi có phiên chợ hàng Việt về địa phương, người dân nơi đây xem như ngày hội, nô nức đến tham quan và mua sắm. Qua nhiều lần mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt, bà con ở đây nói chung, cá nhân tôi nói riêng đánh giá hàng Việt do các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh có chất lượng tốt, lại thêm khuyến mãi hấp dẫn nên giúp chúng tôi mua được hàng hóa ưng ý, giá lại rẻ…”.
Chị Lang Thị Hằng - người dân thị trấn Quế Phong cũng cho biết: “Hiện nay, hàng hóa nhiều, nhưng hàng thật, giả lẫn lộn, khó phân biệt. Nên mỗi lần có phiên chợ hàng Việt về nông thôn là tôi đều đến xem để mua sắm. Hàng hóa ở đây không những có nguồn gốc rõ ràng mà giá cả cũng vừa túi tiền với người dân...”.
Không chỉ người dân địa phương vui mừng khi mua được các mặt hàng giá rẻ, chất lượng cao mà các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất địa phương cũng nắm được cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Đại diện cơ sở giò bê Minh chia sẻ: “Tham gia phiên chợ, tôi không những có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình, mà còn được kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”.
Có thể thấy, các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Sở Công Thương Nghệ An phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh tổ chức trong thời gian qua đã thu hút khá nhiều người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.
Đa dạng sản phẩm địa phương trưng bày tại phiên chợ hàng Việt |
Theo đó, các phiên chợ đã cung cấp lượng hàng hóa phong phú như may mặc, nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… cùng với các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp điều kiện kinh tế của các gia đình ở nông thôn, miền núi. Đặc biệt, trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán trà trộn trên thị trường như hiện nay, việc tổ chức phiên chợ đã giúp người dân vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận những mặt hàng đảm bảo chất lượng, xuất xứ và giá cả hợp lý. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, cho nên hàng Việt đang ngày càng được khách hàng ở nông thôn, bà con miền núi ưa chuộng.
Không chỉ kích thích tiêu dùng, phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” còn là cầu nối, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh có cơ hội khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân, tìm kiếm thị trường, thành lập chi nhánh, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Kích cầu tiêu dùng hàng Việt hiệu quả
Để có các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” thành công, trước khi tổ chức, Sở Công Thương Nghệ An chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu thiết yếu về hàng hóa và thu nhập của nhân dân từng địa phương. Từ đó, tiến hành mời gọi các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất - kinh doanh để xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân.
Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Phiên chợ lần này là dịp tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện Quế Phong tiếp cận với hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã phong phú và giá cả hợp lý. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong mua sắm và tiêu dùng hàng Việt; phân biệt hàng thật - hàng giả, hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản sản phẩm…
Các sản phẩm ở hội chợ hàng Việt ở TT Kim Sơn, Quế Phong (Nghệ An) thu hút khá đông bà con vùng cao đến xem, mua sắm |
Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn đầy tiềm năng nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh phân phối hàng hóa, khẳng định về chất lượng, giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng nội địa. Kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và doanh nghiệp sản xuất để có mạng lưới phân phối lâu dài, vững chắc.
Có thể thấy từ những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển thị trường, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả hơn nữa chương trình này, cùng với những giải pháp thiết thực của ngành chức năng thì mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia phiên chợ cũng cần có sự đầu tư để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tích cực nghiên cứu thị trường để cung ứng các mặt hàng phù hợp với địa phương tại mỗi nơi tham gia.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí, tổ chức các phiên chợ thường xuyên và quy mô hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó cũng giúp cơ sở, doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội đến gần hơn với người dân nông thôn, miền núi góp phần giúp sản phẩm địa phương phát triển thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh và vươn xa hơn đến các thị trường tiềm năng khác.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An: Hàng hóa ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ở địa phương này còn nhiều bất cập, chưa thấy tính bền vững. Ngân sách cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại tại các huyện, thị xã miền núi, vùng sâu, vùng xa còn ít nên chưa phát huy hết lợi thế của địa phương. Cùng với đó, thương nhân tham gia hoạt động thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô lô hàng nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài.
Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tăng cường hơn nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát thâm nhập thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa.