Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip một nữ sinh bị đánh đập dã man, lột áo. Thời điểm nữ sinh bị đánh, khá đông học sinh đứng xem nhưng không can ngăn mà còn dùng điện thoại quay, sau đó tung lên mạng xã hội. Xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, vụ việc xảy ra tại Trường THCS Khánh Sơn 2 (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Nguyên nhân dẫn đến sự việc đơn giản chỉ là cho rằng bạn "nhìn đểu", nên hẹn nhau “thách đấu”!?
Trước đó ít ngày, một vụ việc xảy ra tại Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng khiến dư luận phẫn nộ. Một em nữ sinh lớp 6 có thân hình còi cọc, bị một nhóm 4 học sinh khác dồn vào hành lang đánh đập. Nữ sinh bị đánh gào khóc gọi mẹ, nhóm học sinh đứng ngoài thay vì can ngăn còn vô cảm cười nhại tiếng kêu cứu của nữ sinh.
Bạo lực học đường là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển lành mạnh của học sinh. Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, bạo lực học đường là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển lành mạnh của học sinh. Thời gian qua, vấn nạn này vẫn luôn là vấn đề nóng gây bức xúc xã hội, làm các bậc cha mẹ lo lắng, bất an. Nhiều vụ việc hết sức nghiêm trọng, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ khi nhiều em bị hành hạ, đánh đập, lăng mạ, hạ nhục đến mức phải nhập viện cấp cứu, bị trầm cảm, bị tâm thần thậm chí chán nản tìm đến cái chết.
Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ. Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo cũng lo ngại bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường, thì có một vụ bạo lực học đường. Trong đó, học sinh nữ tham gia các vụ ẩu đả ngày càng nhiều hơn.
Nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng là do “lỗi hệ thống” trong công tác quản lý và giáo dục của nhà trường và gia đình. Nhiều trường học không làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường. Trẻ em hiện nay đang sống trong một môi trường ảo nhiều hơn môi trường thật, với vô vàn ô nhiễm. Cùng với đó là sự nở rộ của các trò chơi game online bạo lực, các thông tin lệch chuẩn, kích động lan truyền, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Thêm vào đó, nhiều gia đình không quan tâm đến hoạt động học tập và sinh hoạt của con em mình, không giáo dục cho con em những giá trị đạo đức và kỹ năng sống cần thiết để ứng xử trong xã hội. Nhiều học sinh nhiễm thói hư tật xấu ngoài xã hội, trên mạng internet và từ chính bố mẹ. Các em thiếu kỹ năng sống, hành xử bạo lực với bạn bè, thần tượng lệch chuẩn cả những kẻ “giang hồ” mạng. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động!
Cùng với đó, căn bệnh thành tích khiến nhà trường và các bậc cha mẹ đã chạy theo “bảng vàng”. Các em học sinh bị nhồi nhét rất nhiều kiến thức cao siêu, nhưng lại chưa hoặc ít được trang bị thấu đáo kỹ năng làm người, giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống dường như bị xem nhẹ, chỉ là các môn phụ. Những vụ việc đánh nhau, hạ nhục giữa các học sinh với nhau cho thấy các em chưa được học làm người tử tế, chưa học được sự quan tâm, sẻ chia và nhân ái. Nhiều vụ việc dù đã râm ran xuất hiện nhưng chính các thầy cô, nhà trường tìm cách che giấu cho đến khi vỡ lở thì hậu quả đã đi quá xa.
Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cần sự chung tay của nhà trường, gia đình, xã hội. Vấn nạn bạo lực học đường gia tăng, phức tạp không phải lỗi của ngành Giáo dục nhưng cùng với gia đình, thầy cô phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng vẫn là việc giáo dục đạo đức phải được chú trọng.
Chương trình giảng dạy thay vì chỉ tập trung vào kiến thức thì chú ý nhiều vào giáo dục kĩ năng, tri thức cuộc sống, giáo dục nhân sinh, giáo dục đạo đức, ứng xử giữa người với người. Nhà trường cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường. Để tổ chức Đoàn, Đội không chỉ là nơi hô hào, phát động mà là nơi sẻ chia, thấu hiểu, để các em tin cậy tìm đến mỗi khi gặp chuyện khúc mắc hay vấn đề bạo lực học đường.
Các gia đình phải quan tâm, chăm lo cho con em mình nhiều hơn, chứ không phó mặc tất cả cho nhà trường và xã hội. Phải triệt để ngăn chặn được căn bệnh thành tích trong giáo dục. Bởi thầy cô chính là những tấm gương nhưng khi giáo dục còn có sự không trung thực, thì sẽ khiến các em học sinh cũng có suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn về nhân cách khi bước vào đời. Chỉ khi nào các bậc cha mẹ là những người tử tế, giáo dục (trường học) lành mạnh, nhân văn, trường học thân thiện, an toàn thì mới tạo ra những người con ngoan, trò giỏi và không có bạo lực. Một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã thích bạo lực thì lớn lên gia đình, xã hội sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả chính vì vậy cần những giải pháp mạnh mẽ hơn.