Phải nhìn thấy mình làm được, bà con mới tin!
Bí thư Giàng A Sáu gõ kẻng tập hợp bà con về họp bản |
Dốc, dốc và lại dốc. 5km đường lên bản Páo Sơ Dào (xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải) đều là những đoạn đường đất nhỏ hẹp và dốc ngược. Không để ý tới sắc mặt lo lắng của tôi, Bí thư bản Páo Sơ Dào – anh Giàng A Sáu vừa khéo léo điều khiển chiếc xe ware, vừa hồ hởi: Đường đẹp nhiều rồi đấy, trước chỉ đi bộ được thôi…
Sau 30 phút chật vật, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trung tâm bản Páo Sơ Dào. Dựng xe ở chân dốc, Bí thư Giàng A Sáu nhanh nhẹn lên gõ kẻng, tiếng kẻng vang lanh lảnh cả 1 vùng không gian rộng lớn. “Nghe tiếng kẻng, bà con biết là có việc, tối sẽ tự khắc bảo nhau tập trung ở nhà văn hóa bản…” - anh Sáu cho biết.
Được tín nhiệm làm bí thư chi bộ bản từ năm 2015, với anh Sáu, khó khăn của công việc anh hiểu khá rõ, vì anh đã từng nhiều năm giúp việc cho bí thư chi bộ bản những nhiệm kỳ trước - ông Giàng A Khua (cũng là bố đẻ của anh Sáu). “Trước đây, khi chưa có vụ Đông Xuân, nhiều hộ ở Páo Sơ Dào mỗi năm có từ 2 đến 5 tháng ăn ngô thay cơm, cực khổ vô cùng. Vậy nhưng, khi Mù Cang Chải triển khai thực hiện vụ Đông Xuân, nhiều hộ dân nhất quyết không chịu làm vì lo “làm xong không được ăn, bởi thời điểm cấy lúa đúng vào lúc rét mạ rất dễ chết” – anh Sáu nhớ lại.
Thuyết phục bà con bằng lời không xong, bí thư Sáu vận động các đảng viên trong bản chủ động đi đầu làm trước. 1 vụ, rồi 2 vụ… thấy năng suất vụ Đông Xuân cao, bà con trong bản bắt đầu làm theo. Nay thì cả 48 hộ trong bản đều cấy lúa Đông Xuân. Hộ nghèo vẫn còn nhiều nhưng không ai đói nữa, ngô giờ chỉ dùng để nuôi gia súc. Dẫn tôi đi xem những thửa ruộng bậc thang, lúa đang ngả màu vàng óng, bí thư Sáu rõng rạc: “Chỉ nói thì bà con không tin đâu, phải nhìn thấy mình làm và làm được. Bà con mới tin…”
Không sợ khó, sợ khổ
“Muốn bà con nghe mình, mình phải gương mẫu, đi đầu” cũng là suy nghĩ của ông Hảng Tồng Chư - Bí thư bản Trống Tông (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải). Hơn chục năm giữ vai trò bí thư chi bộ, ông Chư luôn được bà con tin yêu bởi trong mọi công việc, người bí thư này đều giải quyết thấu tình đạt lý. Từ việc dễ đến khó, ông đều là người sẵn sàng làm trước, không sợ khó, sợ khổ. “Để vận động bà con hiến đất làm đường, tôi phải hiến đất trước và hiến nhiều hơn. Bà con thấy mình sẵn sàng vì cái chung, bà con cũng sẽ nhiệt tình làm theo…”.
Tháng 7 năm 2017, cơn bão đầu mùa quét qua xã La Pán Tẩn khiến cả 1 đoạn đường dài lên bản Trống Tông bị xóa sổ. Nhìn cảnh bà con đi lại vất vả, trẻ em không thể đến trường, Bí thư Chư khăn gói lên gặp trực tiếp phó bí thư huyện ủy để đề xuất hỗ trợ kinh phí san gạt lại đường. Chuyện xưa nay hiếm ở Mù Cang Chải! “Trước đó, tôi đã huy động bà con đóng góp kinh phí để làm đường và sân chơi chung của bản. Bà con ai cũng sẵn sàng đóng góp, nhưng họ còn nghèo quá. Thiên tai lại bất ngờ, dồn dập…Việc gấp rồi, mình gõ cửa huyện cũng là để xin cho bản mình thôi. May mắn sao lại được tiền để cầm về” - bí thư Chư cười lớn.
Những con đường mở ra cách làm, cách nghĩ mới
Bí thư Vàng A Su giới thiệu về những đổi thay ở bản Khao Mang |
Cho đến nay những con đường khúc khuỷu, gập ghềnh, bản nọ cách bản kia vài km, trời nắng thì bụi mù, mưa thì trơn trượt… vẫn là địa hình đặc trưng của các bản ở Mù Cang Chải. Tuy nhiên, để đi được xe máy lên tận bản như hiện nay là một cố gắng rất lớn của chính quyền và người dân nơi đây. Trong đó, nhiều con đường có dấu ấn không nhỏ của người bí thư chi bộ bản. Câu chuyện về bí thư Vàng A Su (bản Khao Mang, xã Khao Mang) là một ví dụ. Sau khi đường vào bản Khao Mang do dự án đầu tư bị xuống cấp, bí thư Su không chỉ vận động bà con tham gia sửa lại đường mà còn làm thêm nhiều đoạn đường mới để việc đi lại được thuận tiện hơn.
Chỉ cho tôi xem con đường đất kéo dài, xe máy có thể chạy lên tận bìa rừng, ông Su cười hỉ hả: “Đường vào khu sản xuất hoàn toàn do bà con trong bản làm đấy. Ban đầu nhiều người ngại khó, không muốn làm đâu. Nhưng tôi đến tận nhà, phân tích thiệt hơn, sau rồi bà con cũng nghe ra…”.
Từ chỗ chân đạp núi, lưng đè nặng bởi những gùi ngô, thóc, thảo quả, nay có đường, những chiếc xe máy đã thay sức người, để đôi vai người phụ nữ Mông, đôi chân người đàn ông dân tộc Mông bớt đi những nhọc nhằn. Những con đường, hơn thế, còn mở ra những cách nghĩ, cách làm ngày một tiến bộ hơn cho đồng bào Mông nơi đây…
Với địa bàn có tới 91% dân số là đồng bào dân tộc Mông còn khó khăn, lạc hậu, lại sinh sống thưa thớt, rải rác như ở Mù Cang Chải; để thay đổi được nếp sống, tư duy của đồng bào là chuyện không đơn giản, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, những người bí thư chi bộ muốn dân hiểu, dân nghe đều là những người sẵn sàng hết lòng vì tập thể. Họ được ví như những người mang trái tim kiên trì thắp lửa. Với ngọn lửa nhiệt tình của mình, các bí thư này đang cùng với chính quyền thôn bản, giúp đồng bào Mông ở Mù Cang Chải một lòng tin theo Đảng, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất, làm nên sự thay da đổi thịt của nhiều bản làng vùng cao. |
Kỳ II: BÍ THƯ CÓ TỐT, PHONG TRÀO MỚI MẠNH
TIN LIÊN QUAN | |