Gần 10% bí thư bản chưa học hết tiểu học!?
Đội ngũ bí thư chi bộ bản là cầu nối quan trọng giữa ý Đảng với lòng dân |
Nếu như việc thành lập được các chi bộ, xây dựng được đội ngũ Đảng viên ở hầu hết các thôn, bản là một cố gắng lớn của huyện ủy Mù Cang Chải; thì việc bồi dưỡng, đào tạo được đội ngũ bí thư thôn bản có niềm tin với Đảng, tận tụy với công việc đã tạo nên sức sống mạnh mẽ và bền bỉ cho công tác Đảng ở vùng đất còn nhiều gian khó này.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Mù Cang Chải – ông Phạm Văn Quynh cho biết: Từ chỗ có nhiều bản trắng đảng viên, đến nay 116 thôn, bản của huyện Mù Cang Chải đều đã có chi bộ Đảng. 116 bí thư chi bộ, 64 phó bí thư chi bộ, 51 chi ủy viên tại 116 bản đều là người DTTS. Với nhiệt huyết, vốn sống và sự am hiểu phong tục, tập quán của địa phương… đội ngũ bí thư chi bộ bản thực sự “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng, là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân”.
“91% người dân của Mù Cang Chải là đồng bào dân tộc Mông, lại sinh sống thưa thớt, rải rác…Chính vì vậy, hiệu quả của công tác Đảng phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ Đảng viên ở các thôn, bản. Ở đâu, người bí thư có tiếng nói, có uy tín, ở đó có chi bộ mạnh, các phong trào triển khai ở thôn bản đạt hiệu quả rõ rệt ” – ông Quynh khẳng định.
Tuy nhiên, thực tế đội ngũ bí thư bản ở huyện Mù Cang Chải đang tồn tại những hạn chế như: Hiện mới chỉ có 52 người (44,83%) trình độ trung học phổ thông; còn lại 53 người (45,69%) mới đạt trình độ trung học cơ sở, thậm chí có 11 bí thư chi bộ (9,48%) học chưa hết tiểu học. Về trình độ chuyên môn, có tới 93 bí thư chi bộ (80,17%) chưa qua đào tạo… “Với trình độ, nhận thức còn hạn chế như vậy, nhiều bí thư chi bộ chưa đọc thông, viết thạo nên khó lĩnh hội được đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; từ đó hạn chế khả năng tuyên truyền, vận động, tổ chức cho quần chúng thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Một bí thư như vậy thì chi bộ rất khó trở thành một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở …” – ông Phạm Văn Quynh cho hay.
Khó cũng phải làm!
Những mùa vàng ấm no có sự góp sức của những bí thư chi bộ bản tâm huyết |
Xác định được vai trò quan trọng của chi bộ bản trong xây dựng và phát triển Đảng, tháng 8/2017, huyện ủy Mù Cang Chải đã thông qua Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ bản giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Trong đó đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, trên 39% bí thư chi bộ bản có trình độ văn hóa trung học cơ sở; trên 60% có trình độ trung học phổ thông; định hướng đến năm 2025 đạt 100% trình độ trung học phổ thông…
Nếu như con số này là đơn giản đối với nhiều huyện đồng bằng thì với huyện tới 91% là đồng bào Mông, tỉ lệ hộ nghèo lên đến trên 70% như Mù Cang Chải - đây thực sự là mục tiêu rất khó thực hiện. “Cả 9 bản của xã Cao Phạ đều đã có nhiều người học hết lớp 12, thậm chí học cao hơn nữa. Nhưng với đồng bào DTTS, nhất là với người Mông, tiêu chuẩn để đồng bào tin, yêu và làm theo lại không hoàn toàn căn cứ vào trình độ học vấn. Đa số người Mông vẫn nghe và đặt niềm tin vào những già làng, trưởng bản – những người có tiếng nói, uy tín đã nhiều năm. Chính vì vậy, chọn đảng viên có trình độ, nhưng lại còn trẻ làm bí thư vấp phải sự phản đối không nhỏ” – ông Sùng A Dê – Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Lợi – Phó bí thư thường trực huyện Mù Cang Chải, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, trong đó có việc nâng cao trình độ văn hóa của bí thư chi bộ là việc không hề đơn giản nhưng Mù Cang Chải vẫn quyết tâm thực hiện. Bởi lẽ, để phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự ở một huyện có nhiều đặc thù như Mù Cang Chải, ngoài uy tín, sự nhiệt tình, rất cần những bí thư chi bộ bản có kiến thức, kĩ năng xử lý tình huống, giải quyết các vụ việc khoa học, hợp lý; bám sát các chủ trương, chính sách; đáp ứng yêu cầu ngày một cao của đời sống. Trình độ văn hóa của các bí thư chi bộ thôn phải đạt một tiêu chuẩn nhất định thì mới có thể nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị...
Theo đó, để triển khai đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ bản giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”; bên cạnh việc lựa chọn những bí thư chi bộ đạt trình độ từ lớp 12 trở lên, Thường trực huyện ủy Mù Cang Chải hết sức lưu ý tới các trường hợp đặc biệt. Đơn cử như những bí thư chưa đạt trình độ lớp 12, nhưng được bà con tin yêu và có tiếng nói uy tín với bản làng sẽ tiếp tục làm bí thư nếu được đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Song song với đó, các phó bí thư sẽ phải là những người có trình độ để hỗ trợ các bí thư triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng tới quần chúng nhân dân. Đội ngũ phó bí thư này sẽ là lực lượng kế cận để thực hiện việc xây dựng và phát triển Đảng ở thôn, bản trong những năm tới…
Lên Mù Cang Chải mới hiểu thế nào là “Đường lên trời thì gần, đường xuống chợ thì xa”, vậy nhưng vượt lên tất cả gian nan, gập ghềnh của các cung đường, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã làm nên kiệt tác ruộng bậc thang với những mùa vàng no ấm. Việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của chi bộ bản ở Mù Cang Chải cũng vậy – có rất nhiều khó khăn đang đặt ra. Tuy nhiên, với quyết tâm và cách triển khai linh hoạt, huyện ủy Mù Cang Chải kỳ vọng sẽ tiếp tục xây dựng được đội ngũ bí thư chi bộ bản nhiệt huyết. Với trái tim kiên trì thắp lửa, những bí thư chi bộ này sẽ là nhân tố tích cực tạo nên những đổi thay cho bản làng hôm nay. |
TIN LIÊN QUAN | |