Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Lê Hà/Vietnam+)
CôngThương - Với tiêu đề “Các cách tiếp cận sáng tạo trong giảm nghèo, tăng kết nối xã hội và tiến bộ,” diễn đàn đã thu hút rất đông các đại biểu là các nhà lãnh đạo, đại diện các nước thành viên và nước không thành viên của tổ chức này đến từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và châu Á –Thái Bình Dương.
Tại diễn đàn này, Tổng thư ký OECD Angel Gurria đã nhắc đến Việt Nam như một điển hình của những đóng góp cho sự phát triển bền vững, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và là một ví dụ đầu tiên về triển khai cách tiếp cận mới về “kết nối xã hội” trong xóa đói giảm nghèo tại một quốc gia đang phát triển.
Ông Gurria cho rằng thế giới chứng kiến những bước tiến dài về xóa đói giảm nghèo, song cuộc khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức trong việc triển khai Tầm nhìn phát triển sau năm 2015 cũng như Chiến lược môi trường đến năm 2050 của OECD.
Theo ông, diễn đàn này có tầm quan trọng đặc biệt nhằm thảo luận để đi đến việc soạn thảo những chính sách đẩy mạnh “cuộc chiến” xóa đói giảm nghèo, vì một môi trường bền vững và sự phát triển toàn diện, trên cơ sở phương pháp tiếp cận toàn diện và những thách thức đang đặt ra như một tất yếu.
Tại phiên thảo luận thứ hai của diễn đàn, ông Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc thuộc Ủy ban dân tộc của Chính phủ, đã trình bày tham luận “Giảm nghèo tại các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, từ góc nhìn của kết nối xã hội ,” trong đó khẳng định Việt Nam là một trong những nước thời gian qua thực hiệc được rất nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đói xóa đói giảm nghèo và gắn kết xã hội được nhiều tổ chức quốc tế, như OECD, đánh giá cao.
Ông Khanh cho rằng “gắn kết xã hội” là một khái niệm rất mới đối với Việt Nam, nhưng với những thành công bước đầu đã đạt được trong việc thực các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là trong “cuộc chiến’’ xóa đói giảm nghèo, nên Tổ chức OECD đã lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên để hợp tác triển khai các dự án và chương trình xóa đói giảm nghèo có tính đến vấn đề gắn kết xã hội.
Về phần mình, bà Ji-Yeun Rim, Cố vấn Phụ trách dự án hợp tác với châu Á thuộc Trung tâm phát triển của OECD, cho biết dự án “gắn kết và hòa hợp xã hội,” dự kiến sẽ triển khai vào tháng 5/2013 tại Việt Nam, tập trung vào việc xem xét tác động của tăng trưởng nhanh và mạnh đối với sự kết nối trong xã hội.
Việt Nam là nước có sự tăng trưởng mạnh trong khu vực, điều quan trọng là phải tính đến sự mất cân đối có thể xảy ra trong tăng trưởng. Có thể công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả, nhưng phải tính đến chất lượng cuộc sống của các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, phải tính đến khoảng cách giàu nghèo, sự huy động sức mạnh chung của xã hội.
Trong khuôn khổ hai ngày làm việc, các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề cấp bách khác, cũng là chủ đề của 3 phiên thảo luận : “Thách thức của nghèo đói- xu hướng toàn cầu, những bất trắc mang và các khuôn khổ chính sách quốc gia; " "Vượt trên giảm nghèo: Thách thức của kết nối xã hội tại các quốc gia đang phát triển;" và "Các cách tiếp cận sáng tạo để giảm nghèo, thúc đẩy tiến bộ.”
Nhiều câu hỏi đã thu hút sự chú ý của các đại biểu như : liệu tiến bộ xã hội và vấn đề dân sinh có thể được thực hiện tại các nước đang phát triển và làm thế nào để tăng cường khả năng thông kê trong một chương trình phát triển mới sau năm 2015.