Từ ý tưởng đến những công trình tiêu biểu
Gặp anh Hoàng Kiên Trung là nhận thấy ngay, anh đúng là con người của công việc. Đi nhanh, nói nhanh, làm nhanh và trong đầu lúc nào cũng đầy ắp các ý tưởng.
Đồng chí Hoàng Kiên Trung chia sẻ về những kế hoạch sẽ triển khai |
Sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Liêu, tuổi thơ của cậu bé người dân tộc Tày - Hoàng Kiên Trung - gắn bó với hương hồi, hương quế và màu trắng của bạt ngàn hoa sở. Tốt nghiệp khoa Sinh - Trường đại học Hà Nội, anh Trung trở về công tác trên chính quê hương mình. Với sức trẻ và trái tim nhiệt huyết, anh Trung sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng và trở thành một đảng viên trẻ tích cực. Gương mẫu đi đầu, bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, phong trào nào có anh Trung tham gia đều trở thành phong trào nổi bật.
Có cơ hội đặt chân đến nhiều thôn bản ở huyện vùng biên Bình Liêu, đến đâu, anh Trung cũng bị ám ảnh bởi nếp sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh của đồng bào Tày, Sao, Sán Chỉ. “Không chỉ dựng chuồng trại, nhà tiêu ở cạnh nhà, đồng bào còn rất ít khi dọn vệ sinh khu vực này nên quanh năm õng nước. Chuyện người, vật nuôi chết vì ngã xuống chuồng trâu, nhà tiêu ở Bình Liêu không còn là câu chuyện hi hữu” - anh Trung nhớ lại.
Từ những gì mắt thấy tai nghe, trong 7 năm làm Phó Bí thư, rồi Bí thư huyện đoàn huyện Bình Liêu, anh Trung luôn đau đáu với việc, làm sao để thay đổi suy nghĩ, cải thiện điều kiện vệ sinh cho bà con. Tháng 3/2011, khi chứng kiến 26 nhà vệ sinh xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng bị bỏ không vì không hợp với nếp sinh hoạt của bà con, anh Trung chủ động tính toán, nghiên cứu rồi trực tiếp tranh luận với Phòng Nông nghiệp huyện để được thực hiện 4 nhà tiêu bán tự hoại lấy được nước phục vụ sản xuất do anh thiết kế.
Bốn công trình thử nghiệm của anh Trung hoàn thành cũng là lúc bà con nhận ra, vẫn là cái nhà tiêu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và lấy được phân để tưới cây, nhưng xây như thế này thì sạch sẽ, vệ sinh hơn nhiều. Tháng 5/2011, mô hình nhà tiêu do anh Trung thiết kế được nhân lên thành 400 công trình tại huyện Bình Liêu, góp phần đưa chương trình "Giúp đỡ 1.000 hộ gia đình vùng dân tộc, khó khăn của tỉnh di chuyển chuồng trại, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí nông thôn mới” của tỉnh Quảng Ninh đạt được những hiệu quả tích cực. Đảng viên Hoàng Kiên Trung khi ấy cũng được nhiều người nhắc đến vì thường xuyên “cả gan” đem chuyện “nhà tiêu”, “phân gio” ra bàn ở nhiều hội nghị lớn!
Đích thân Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh lúc đó - ông Phạm Minh Chính và Bí thư tỉnh đoàn Quảng Ninh - Phạm Xuân Ký - đã về tận Bình Liêu xem công trình nhà tiêu bán tự hoại lấy được nước phục vụ sản xuất của anh Trung và có lời khen ngợi. Từ những hiệu quả trông thấy, tháng 11/2011, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tuyên dương công trình là 1 trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc.
Bản làng của đồng bào Dao Thanh Phán đã có những đổi thay tích cực |
Trước đó, năm 2010, công trình “50.000 ngày công giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo” do tỉnh Đoàn Quảng Ninh tổ chức cũng được tuyên dương là 1 trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu trên toàn quốc. Trong đó, cách huy động sức người, ngày công linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả mà anh Trung triển khai ở Bình Liêu được xem là động lực, là kinh nghiệm để các công trình sớm hoàn thành và được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Giai đoạn giữ vai trò “thủ lĩnh thanh niên” huyện Bình Liêu, Bí thư Hoàng Kiên Trung còn gắn liền với ngân hàng máu sống mà anh đã đứng ra kêu gọi thành lập và duy trì. Ngân hàng máu sống của Đoàn thanh niên huyện Bình Liêu khi ấy không chỉ góp phần giúp nhiều người được cứu chữa kịp thời, mà hơn thế còn nhân lên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Nghĩ mới, làm mới, niềm tin mới
Sau 5 năm làm Bí thư huyện đoàn Bình Liêu, năm 2015, Hoàng Kiên Trung được bầu làm Bí thư xã Đồng Tâm. Về với Đồng Tâm chưa lâu, tháng 2/2015, trong quá trình khảo sát để mở đường vào vùng nguyên liệu sở, Bí thư Hoàng Kiên Trung thực sự bất ngờ khi đứng giữa rừng sở đẹp như mơ. Sau rất nhiều cố gắng, ý tưởng về một lễ hội hoa sở đã trở thành hiện thực. Lần thứ 2 tổ chức, lễ hội đã được công nhận là lễ hội cấp huyện của Bình Liêu, thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Với lễ hội hoa sở, Bí thư Hoàng Kiên Trung không chỉ là người có công trong việc “đánh thức” rừng hoa đã tồn tại nhiều chục năm, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào, mà hơn thế, còn mở ra hướng đi mới cho sản phẩm dầu sở của Bình Liêu.
Lễ hội hoa sở đã trở thành một điểm đến của du lịch huyện Bình Liêu |
Nhắc lại kết quả thành công ngoài mong đợi của lễ hội hoa sở, Bí thư Hoàng Kiên Trung bộc bạch: “Đề xuất ý tưởng, kế hoạch tổ chức lễ hội xong, lo lắm chứ. Tiêu cả tỉ bạc tiền ngân sách mà không thành công, chắc tôi đi tù. Nhưng sau 2 lần tổ chức, nay yên tâm hơn rồi. Giờ phải tính làm sao để lễ hội ngày càng ý nghĩa hơn”…
Sau lễ hội hoa sở, Bí thư Hoàng Kiên Trung lại thêm một lần gây ấn tượng mạnh khi tự tin hứa trước Bí thư huyện Bình Liêu: “Mỗi năm sẽ làm một cái mới và cái mới này có thể nhân rộng trong cộng đồng”. Kèm theo lời hứa, Hoàng Kiên Trung trình với huyện đề án “Kết hợp nhà vệ sinh, chuồng trâu, chuồng lợn và bioga” do anh nghiên cứu và xây dựng.
Theo đó, với sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 135 và nguồn vốn xã hội hóa, tháng 9/2017, 70 hộ đồng bào dân tộc ở xã Đồng Tâm bắt tay vào thực hiện xây dựng mô hình 3 trong 1 (nhà tiêu - chuồng trâu, chuồng lợn - hầm bioga). Với mức hỗ trợ 4 triệu đồng, bà con chỉ thêm 1 chút vật liệu sẵn có của gia đình cùng vài ngày công là có ngay công trình nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng trâu sạch sẽ, có phân nước để tưới cây, có năng lượng để nấu nướng, vừa thuận tiện vừa hạn chế chặt phá rừng để làm chất đốt. Nhìn thấy lợi ích rõ ràng như vậy, nên chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, 36/70 công trình đã hoàn thành. Dự kiến đến tháng 12/2017, cả 70 công trình sẽ đồng loạt được đưa vào sử dụng.
Từng là người lắng nghe và cổ vũ cho các ý tưởng của Hoàng Kiên Trung, ông Lãnh Thế Vinh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Lâu nay, vệ sinh môi trường vẫn được xem là vấn đề khó, trường kỳ của vùng đồng bào dân tộc ở Bình Liêu, chính vì vậy, những công trình do anh Trung đã nghiên cứu và triển khai vô cùng có ý nghĩa.
Gần 2 năm giữ vai trò Bí thư xã Đồng Tâm, bàn chân Hoàng Kiên Trung đã ghi dấu khắp 16 thôn bản của xã, từng cây cầu, từng con suối anh Trung đều nhớ như in. Không chỉ thuộc tên tuổi của 16 bí thư, trưởng bản, anh Trung còn nắm rõ tính tình, gia cảnh của từng người một. “Hiểu rõ con người, năng lực của mỗi đảng viên thì việc chỉ đạo, điều hành sẽ thuận hơn rất nhiều” - anh Trung chia sẻ.
Cũng theo anh Trung, nếu như ngày còn là cậu học sinh mới lớn, anh luôn khao khát được chinh phục, khám phá, được thay đổi một điều gì đó; thì với công việc của một bí thư xã như hiện nay, cơ hội đang trong tầm tay anh. “Xã Đồng Tâm còn nghèo với 99% đồng bào dân tộc thiểu sô. Để thay đổi không thể một sớm một chiều, nên tôi luôn cố gắng làm sao để tập hợp, huy động được nhiều nhất sức mạnh của các Đảng viên, các chi bộ. Trong đó, cố gắng để tìm tòi những cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Sẵn sàng thử sức bằng những công việc khó và ít ai thích làm, Bí thư Hoàng Kiên Trung đang cho thấy, nơi nào có những đảng viên gương mẫu đi đầu, nơi ấy đất sẽ nở hoa và niềm tin của người dân với Đảng ngày càng son sắt, gắn bó.