Gia tăng các biện pháp ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT. Ảnh minh họa |
Trong đó 18 tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) trên 90% dân số; 26 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 79% đến dưới 90% dân số; 19 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 79% dân số.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong quý I/2017, việc thực hiện chính sách BHYT đã được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tích cực triển khai, như: Tổ chức đánh giá kết quả thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT và điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) theo hạng bệnh viện thống nhất trên toàn quốc; Liên thông dữ liệu KCB và triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT…
Tuy nhiên việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, gây khó khăn cho cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT. Trong đó, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn tiếp tục diễn ra, như: lợi dụng quy định được KCB thông tuyến để tổ chức thu gom người có thẻ BHYT từ các địa bàn khác trong tỉnh, ngoài tỉnh đến kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh; Chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh dẫn đến gia tăng chi phí; Tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh; Thống kê sai chủng loại dịch vụ kỹ thuật, áp giá thanh toán không đúng quy định để tăng thanh toán chi phí với cơ quan BHXH; Cung ứng dịch vụ kỹ thuật quá định mức quy định, không đảm bảo chất lượng; Quy trình kỹ thuật không được tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác KCB BHYT trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định sửa đổi Nghị định 105 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, Thông tư hướng dẫn xếp hạng bệnh viện tư nhân, Thông tư số 37. Đồng thời, sớm nghiên cứu cho ý kiến bằng văn bản đối với các vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện, bổ sung, cập nhật danh mục dùng chung còn thiếu; Có văn bản yêu cầu các cơ sở KCB nghiêm túc, khẩn trương thực hiện việc mã hóa, chuẩn hóa dữ liệu, liên thông dữ liệu đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Có văn bản quy định cơ sở KCB cung cấp các thông tin liên quan đến BHYT về chuyển tuyến, chỉ định, chi phí KCB ngay khi người bệnh ra viện để quản lý việc KCB, quản lý chuyển tuyến, thông tuyến, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở KCB và làm cơ sở thanh toán BHYT.
Phía Bộ Y tế, đại diện Bộ này cho biết, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ cùng các bộ ngành liên quan phối hợp thực hiện các cuộc thanh tra liên bộ để kiểm tra, thanh tra, phát hiện các đơn vị lạm dụng, làm rõ nguyên nhân bội chi, những vấn đề vướng mắc trong triển khai cần sửa đổi trong Luật BHYT, Luật KCB trong tương lai… Các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ tập trung vào các đơn vị có biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB BHYT, đây là một trong những giải pháp để chống lạm dụng quỹ BHYT. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm, Bộ này sẽ nhanh chóng cập nhật danh mục dùng chung, tổ chức kiểm tra tìm hiểu rõ lý do tại sao có những bệnh viện không kết nối dữ liệu tốt và yêu cầu các cơ sở KCB nghiêm túc, khẩn trương thực hiện việc mã hóa, chuẩn hóa dữ liệu, liên thông dữ liệu đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.