Hút 4 điếu thuốc lá mỗi ngày tăng 2,5 nguy cơ mắc bệnh suy yếu động mạch vành Hút thuốc lá nơi công cộng, bán thuốc lá cho trẻ em sẽ bị xử phạt như thế nào? |
Tỷ lệ vi phạm còn cao
Theo quy định tại các Khoản 1 điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; Và địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng; Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Ở các nơi nêu trên, nếu vị phạm, người hút thuốc sẽ bị phạt tới 500.000 đồng, còn đơn vị kinh doanh sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng nếu không có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và công an các địa phương đã kiểm tra gần 2.000 đơn vị/cơ sở, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.
Cùng đó, các tỉnh, thành phố và các bộ ngành đã tổ chức gần 400 đợt giám sát tại gần 3.500 đơn vị. Tổng số tiền phạt là 563,9 triệu đồng.
Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên Vuasanca , trừ một số địa điểm được thực hiện nghiêm như nơi làm việc, bên trong các cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông thì ở một số nơi công cộng như trước cổng bệnh viện, trường học, tại các ga tàu, bến xe, trong nhiều nhà hàng, cà phê, quán ăn…tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ vẫn còn tình trạng nêu trên là do ý thức người sử dụng còn hạn chế, việc người dân tố giác người hút thuốc rất ít; chủ các cơ sở thường có tâm lý nếu cấm tuyệt đối sẽ mất khách hàng. Thêm vào đó, lực lượng chức năng được giao quyền xử lý mỏng, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; Việc giám sát, xử lý qua các công cụ như camera mất nhiều thời gian…
Theo lực lượng chức năng, hiện đơn vị cũng mới thực hiện kiểm tra xử phạt tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố -nơi có tỉ lệ vi phạm cao và các vi phạm phổ biến là hút thuốc tại các khu trong nhà của nhà hàng, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá...
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Trên thực tế, thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu đưa ra phần mềm tố giác người hút thuốc như VN0khoithuoc trên điện thoại di động và thí điểm tại 1 số quận tại Hà Nội. Phần mềm này có 2 ứng dụng: ứng dụng dành cho người phản ánh, quay video/chụp ảnh các hành vi vi phạm và gửi về cơ quan chức năng; ứng dụng dành cho các cơ quan chức năng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng y tế UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, sau 6 tháng thực hiện, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận và xử lý gần 70 trường hợp phản ánh người hút thuốc lá tại các điểm cấm qua hệ thống phần mềm nhưng việc xử lý thông qua phần mềm còn nhiều hạn chế.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giám sát, xử lý vi phạm hút thuốc lá nơi cấm hút |
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá; theo dõi việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc ở các điểm cấm hút thuốc…đơn vị sẽ đẩy mạnh công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm; xử phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Ông Đặng Hồng Chuyên (Hà Nội) cho biết, hiện có nhiều công cụ để giám sát, phát hiện và xử lý những người vi phạm như qua camera, các ứng dụng phần mềm… nhất là ở các địa địa điểm cấm hút. Vấn đề là có đủ nhân lực, sự quyết tâm để thực hiện hay không?
Ông Chuyên cũng đề xuất nên giao cho các bộ phận chuyên biệt tại địa phương, thậm chí giao cho các tổ dân phố kiểm tra, giám sát và có thể trích từ tiền xử phạt để giúp họ nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.