CôngThương - Ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương - Bộ Công Thương cho hay, Trung Quốc là 1 trong 7 quốc gia trên thế giới có quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam. Đây là tiền đề vững chắc, là điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới.
Ông nhận định thế nào về quan hệ hợp tác thương mại hai nước những năm qua?
- Hợp tác kinh tế thương mại (TM) giữa Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) không ngừng phát triển. Từ năm 2004.
Ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương |
đến nay, TQ liên tục giữ vị trí đối tác TM lớn nhất của VN. Tăng trưởng kim ngạch thương mại (KNTM) giữa hai nước 3 năm qua tăng bình quân trên 20%/năm. Năm 2010, KNTM song phương với TQ đạt trên 27 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2009, chiếm khoảng 17,6% tổng kim ngạch ngoại thương của VN. Như vậy, hai nước đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra là đưa KNTM hai chiều VN-TQ năm 2010 đạt 25 tỷ USD.
Tám tháng đầu năm 2011, KNTM hai chiều giữa hai nước đã đạt gần 22 tỷ USD, tăng 31,52% so với cùng kỳ năm 2010. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, KNTM hai chiều giữa hai nước năm nay có triển vọng vượt mốc 30 tỷ USD.
Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2010 đã tác động thế nào đến kinh tế, thương mại của Việt Nam?
- Tình hình kinh tế, TM của VN không ngừng tăng trưởng trong gần hai năm qua kể từ khi ACFTA có hiệu lực. Tổng kim ngạch XNK 8 tháng đầu năm 2011 của cả nước đạt 127,8 tỷ USD. Riêng XK sang TQ, liên tục tăng qua các tháng và 8 tháng đầu năm tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2010. Điều đó cho thấy, DN hai bên đã và đang tận dụng tối đa những ưu đãi, những cơ hội của ACFTA mang lại để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, VN cũng phải đối mặt với tình hình nhập siêu lớn từ TQ, dù tốc độ tăng nhập siêu đã giảm dần xuống 2,3% (8 tháng năm 2011).
Theo ACFTA, từ ngày 1/1/2010, khoảng 90% các mặt hàng NK từ VN vào TQ và các nước ASEAN 6 sẽ được hưởng mức thuế NK từ 0-5%. VN được thực hiện cam kết muộn hơn 5 năm và bắt đầu giảm thuế NK từ năm 2015. Như vậy, từ nay tới năm 2013 sẽ là thời cơ cho XK của VN, khi hàng XK của ta không phải chịu hàng rào thuế quan trong khi vẫn duy trì được mức bảo hộ nhất định cho thị trường trong nước. Giai đoạn 2010-2013, tốc độ giảm thuế ACFTA bình quân mỗi năm (năm sau so với năm trước) khoảng 10,85%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2015, mức độ cắt giảm so với năm 2014 tăng vọt tới 46%. Sở dĩ có hiện tượng này là do năm 2015, VN phải đưa 85% tổng số dòng thuế của biểu thuế NK về mức thuế suất dưới 5% theo cam kết.
Ngoài ra, năm 2015 cũng là thời điểm mà VN bắt đầu phải đưa các mặt hàng trong danh mục nhạy cảm thường vào cắt giảm thuế. Các ngành có mức thuế suất bình quân giảm mạnh nhất là ngành thủy sản, toàn bộ đạt mức thuế suất ACFTA là 0%, giảm 100% so với năm trước. Với ngành dệt may, thuế suất ACFTA bình quân là 2%, giảm 73,68% so với năm 2014... Tuy nhiên, tỷ trọng NK các mặt hàng thuộc các ngành kể trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng NK từ TQ. Đối với các mặt hàng kim khí - mặt hàng hiện có tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch NK từ TQ, thuế suất ACFTA bình quân năm 2015 chỉ còn 1,2%, giảm 65% so với năm 2014. Như vậy, nếu chúng ta không tận dụng được các cơ hội ACFTA đang mở ra hiện nay, có thể năm 2015, sẽ là thời điểm thách thức với nhiều ngành công nghiệp VN, đặc biệt là các ngành cơ khí, chế tạo. Bởi kể từ năm 2013 trở đi, VN bắt đầu cắt giảm sâu hàng rào bảo hộ thuế quan để tiến tới loại bỏ thuế với DN trong nước.
Theo ông, Việt Nam phải làm gì để thay đổi tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc?
- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận thức rõ những thách thức của tình trạng nhập siêu cao nói chung và từ TQ nói riêng. Chủ trương chung của Bộ là giảm nhập siêu thông qua tăng XK, hạn chế NK những mặt hàng không thiết yếu. Để từng bước giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại, theo tôi, cần triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ để từng bước giảm NK nguyên vật liệu, phát triển sản xuất các mặt hàng thay thế NK; thu hút các DN lớn có thực lực vào VN đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực như năng lượng, nguyên phụ liệu dệt may và da giày, phân bón... Chúng ta cũng có thể hợp tác với bạn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cao su, nông sản nhiệt đới, đồ uống thực phẩm, để sau đó XK vào thị trường TQ và các quốc gia khác. Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động XK của VN sang TQ. Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực thi các biện pháp cụ thể, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các nhóm hàng có thế mạnh XK sang thị trường TQ.
Việc giảm nhập siêu từ thị trường TQ nói riêng và các nước nói chung là cả một quá trình phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị với sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, các hiệp hội ngành hàng, các DN và cả người dân. Nhưng tiến trình này cũng cần có thời gian, tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu sản xuất và XK mới có thể giải quyết vấn đề một cách căn bản.
Trân trọng cảm ơn ông!