Bước đi thần tốc
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh trong suốt thời gian qua được xác định rõ trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh theo từng giai đoạn. Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XIX đã khẳng định quyết tâm chính trị đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP bình quân 10,5% - 11,5%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 11,3% - 12,6%/năm, dịch vụ tăng 9,0% - 9,5%/năm, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,8%/năm. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế gồm nông, lâm nghiệp: 2,6%, công nghiệp - xây dựng: 75,3% và dịch vụ: 22,1%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu đã đầu tư tại Bắc Ninh |
Theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, đến hết năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản sẽ đạt được mục tiêu, trong đó công nghiệp và thương mại là rất khả quan. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 1.092 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2017. Qua đó, đưa khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính chiếm 74,8% cơ cấu kinh tế năm 2018, lớn nhất trong đó là ngành công nghiệp điện, điện tử. Dự báo trong những năm cuối của kế hoạch 5 năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và đến hết năm 2020 khả năng vượt khoảng 10% so với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đề ra.
Đặc biệt, giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 ước đạt 33 tỷ USD, góp phần đáng kể cho xuất khẩu của cả nước. Cùng với đó, hạ tầng thương mại được tăng cường mở rộng với các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống cảng cạn ICD, trung tâm kho vận logitics tiếp tục mở rộng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được gia tăng, mở rộng kết nối cung cầu giữa thành thị với nông thôn đưa hàng hóa vào các khu công nghiệp tập trung đông người.
Bổ sung thêm vào bức tranh kinh tế tăng trưởng “ấn tượng” của vùng Kinh Bắc, bà Vũ Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong top đầu cả nước. Cụ thể, năm 2017, quy mô GRDP đứng thứ 4 toàn quốc (đạt 162.000 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 cả nước; kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đứng trong tốp 10 tỉnh/thành phố có số thu cao nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo thấp, chỉ chiếm 2,06%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10/16 khu công nghiệp và 22/24 cụm công nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động hiệu quả. Lũy kế đến 20/9/2018, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 11.474 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 169.000 tỷ đồng; thu hút được 1.261 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh 144.000 tỷ đồng; 1.275 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 17 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc, tiếp đó là Nhật Bản và Singapore; với nhiều dự án lớn của các công ty đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxconn, ABB, Pepsico, Orion... góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu”
Sau 20 năm chia tách, đến nay, Bắc Ninh đã khẳng định vị thế mới của tỉnh trong công cuộc phát triển của đất nước, trở thành một trong những “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước. Kết quả này có được ngoài sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, còn thể hiện ý trí, nghị lực và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn thách thức. Thành quả đó cũng là minh chứng đậm nét nhất “đo lường” tính hiện thực và sức sống của các nghị quyết – quyết sách chính trị của tỉnh.
Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 |
Chia sẻ về hướng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian tới, bà Vũ Thị Phương Thảo cho biết, đến nay Bắc Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố hấp dẫn nhất cả nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút, lựa chọn các dòng vốn đầu tư theo định hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; tập trung vào việc thu hút đầu tư các dự án lớn vào lĩnh vực du lịch, bất động sản, nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm liên kết ngành trên cơ sở lấy doanh nghiệp lớn là hạt nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là các vệ tinh cung ứng; gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các hành lang kinh tế… Đồng thời, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng tiện ích, văn minh, hiện đại gắn với kinh tế đô thị; tạo bước chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao; phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, nông nghiệp đô thị.
Trải qua hơn hai thập kỷ, Bắc Ninh – địa phương có diện tích nhỏ nhất nước nhưng đã hoàn toàn “lột xác” với tốc độ tăng trưởng cao. Đây sẽ là tiền đề để miền quê đất khoa bảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022. Điều này một lần nữa khẳng định, chủ trương lấy phát triển các khu, cụm công nghiệp làm khâu đột phá, tạo động lực chính để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, từ đó phát triển đô thị và kinh tế xã hội toàn tỉnh Bắc Ninh là một chủ trương đúng đắn. |