Thúc đẩy quảng bá sản phẩm Việt Nam tại Ai Cập
Trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Cairo lần thứ 54 diễn ra từ ngày 30/9 - 8/10/2021, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam, ngày 30/9 Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đã phối hợp với Cơ quan Triển lãm và hội nghị Ai Cập (EECA) tổ chức thành công hội thảo xúc tiến thương mại (XTTM) với chủ đề “Việt Nam - Ai Cập: Các sản phẩm công nghiệp và lĩnh vực hợp tác tiềm năng” nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam tới các nhà nhập khẩu Ai Cập.
Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ai Cập, ông Ibrahim El-Seginy và Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công đã phát biểu khai mạc cùng với sự tham dự của Chủ tịch EECA, bà Maii Assal và nhiều doanh nghiệp nhập khẩu trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến thực phẩm, da giày, hóa chất, nông nghiệp và thủy sản.
Chủ tọa Hội thảo XTTM tại Hội chợ quốc tế Cairo lần thứ 54: (từ trái sang phải) Chủ tịch EECA Maii Assal, Thứ trưởng TM&CN Ai Cập El-Seginy, Đại sứ Trần Thành Công, Phụ trách Thương vụ Nguyễn Duy Hưng |
Thứ trưởng El-Seginy cũng thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp Ai Cập về kết quả Kỳ họp lần thứ 2, Tiểu ban hợp tác Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ai Cập mới tổ chức vào ngày 16/8 vừa qua, trong đó Ai Cập đã đơn giản hóa một số quy định trong thủ tục đăng ký nhà máy đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại giữa 2 nước.
Bài thuyết trình của Phụ trách Thương vụ Nguyễn Duy Hưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đối với hàng loạt các mặt hàng từ công nghiệp chế tạo như linh kiện, phụ kiện xe ô tô, lốp xe tải, nhôm định hình cho đến các sản phẩm nông sản, thủy sản như gạo, chè, cà phê hay cá ngừ đóng hộp. Các sản phẩm của Việt Nam được doanh nghiệp bạn đánh giá tốt về chất lượng và nhiều nhà nhập khẩu mong muốn sớm có thể sang Việt Nam để trao đổi trực tiếp với đối tác về các đề xuất hợp tác.
Thương vụ đã lần lượt trao đổi, giải đáp thắc mắc của các nhà nhập khẩu cũng như tiếp nhận các đề nghị nhằm hỗ trợ cung cấp thêm thông tin và kết nối tới các doanh nghiệp trong nước. Hội thảo xúc tiến thương mại một lần nữa cho thấy sự quan tâm và đánh giá cao từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ai Cập cũng như cộng đồng doanh nghiệp sở tại đối với hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực tiềm năng.
Thương mại song phương còn nhiều dư địa
Việt Nam và Ai Cập là hai nước có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống khi Ai Cập là một trong số những nước Arab đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng được hình thành từ sớm và đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ.
Là nước phát triển nhanh và mạnh trong khu vực, Việt Nam có tiềm năng lớn. Trong khi đó, Ai Cập là một thị trường được các công ty đa quốc gia xem là trọng điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Vẫn còn nhiều dư địa trong thương mại Việt Nam - Ai Cập |
Ai Cập hiện cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường còn nhiều tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam - Ai Cập trong năm 2020 đạt 515 triệu USD, tăng 4,8% so với năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập vẫn đạt 238,7 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Là nước phát triển nhanh và mạnh trong khu vực, Việt Nam có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư và xuất nhập khẩu Ai Cập. Trong khi đó, Ai Cập là một thị trường được các công ty đa quốc gia xem là trọng điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Chính vì vậy, hai nước có triển vọng to lớn trong hợp tác kinh tế thương mại. Ngoài ra, Ai Cập cũng là một trong số những thị trường lớn cho mặt hàng cá ngừ Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,8 triệu USD cá ngừ sang Ai Cập, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ai Cập xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng như hoá chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa, sợi…
Trong thời gian tới, Việt Nam và Ai Cập có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp điện, dệt may, hoá chất, ô tô, vật liệu xây dựng, viễn thông, logistics. Phía Ai Cập hiện đang phát triển hạ tầng quy mô lớn, trong đó có Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZ) để phục vụ cho các thoả thuận hợp tác thương mại và sản xuất trong tương lai. Việt Nam và Ai Cập có thể hợp tác theo mô hình ba bên tận dụng lợi thế của SCZ. Các nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam có thể được sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam để sản xuất các sản phẩm tại SCZ và xuất khẩu sang nước thứ ba vốn có hiệp định thương mại với Ai Cập.