CôngThương - 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đã đạt 57.1 triệu USD tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau thời gian bị ảnh hưởng do khủng hoảng chính trị tại Bờ Biển Ngà, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã bắt đầu được nối lại vào tháng 4 và tăng mạnh vào tháng 6 (đạt mức 31.3triệu USD).
Nhờ vậy, tổng kim ngạch 6 sáng đầu năm được nâng lên 57 triệu USD. Đóng góp lớn nhất vào thành tích này vẫn là mặt hàng gạo chiếm tới 96% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 55 triệu USD với khối lượng 113.614 tấn. Riêng tháng 6, Việt Nam đã xuất được 64.365 tấn gạo, đạt 31.3 triệu USD, tăng 973% về lượng và 1.103% về trị giáso với tháng 5.
Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Phi (đứng thứ ba về xuất khẩu và thứ hai về nhập khẩu trong 3 năm qua). Năm 2010, trao đổi thương mại giữa hai nước lên tới 262 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 133 triệu USD và nhập khẩu 129 triệu USD hàng hóa các loại.
Trong đó, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà, chiếm đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng liên tục, từ 45.5 triệu USD năm 2007 lên 75.4 triệu USD năm 2008 và đạt 137.2 triệu USD năm 2009 (94.129 tấn gạo), mức cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 14%, xuống còn 118.2 triệu USD (98.654 tấn) do giá gạo thế giới giảm so với năm trước đó.
Về mặt số lượng, gạo Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng từ 12-13% tổng lượng gạo nhập khẩu của Bờ Biển Ngà mỗi năm (khoảng 800.000 tấn).
Dự báo trong thời gian tới, gạo vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này chắc chắn sẽ gia tăng do bị gián đoạn nguồn cung.
Ngoài mặt hàng gạo, Việt Nam còn xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà sản phẩm dệt may, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm cao su, săm lốp ôtô, xe đạp, xe máy, v.v...