Ngành du lịch đang có điểm tựa vững chắc để "cất cánh" sau khi Nghị quyết 08 - NQ/TW ra đời |
Chủ trương mạnh mẽ, toàn diện
Ngành du lịch được thành lập năm 1960, sau gần 60 năm xây dựng và trưởng thành đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp và sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, tăng cường hiểu biết và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Nhận định phát triển du lịch sẽ phát huy được lợi thế quốc gia, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này trong các định hướng phát triển kinh tế, xã hội. Năm 1991, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng có thể phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế quốc dân và quan điểm đó tiếp tục được khẳng định trong suốt các kỳ Đại hội VIII, IX, X của Đảng. Năm 1994, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về phát triển du lịch trong tình hình mới. Năm 1998, Bộ Chính trị tiếp tục ra Thông báo Kết luận số 179-TB/BCT về tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của đất nước.
Chủ trương mạnh mẽ về phát triển du lịch thực sự được chú trọng, nâng lên tầm cao mới tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được Tổng Bí thư ký ban hành ngày 16/1/2017. Đây là lần đầu tiên ngành du lịch nhận được sự chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của lãnh đạo Đảng bằng Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo Tổng cục Du lịch, trước đây, Bộ Chính trị cũng đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thông qua Chỉ thị, Thông báo kết luận của Bộ Chính trị nhưng lần này bằng Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm cao nhất của lãnh đạo Đảng về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Các vấn đề trọng tâm của Nghị quyết, trước hết, không chỉ đề cập đến các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng còn chỉ đạo quyết liệt cả những vấn đề cụ thể, còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để như giá điện, visa, hàng không… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển; thứ hai là nhận thức và tư duy về ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp được Đảng quan tâm hàng đầu để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch theo đúng quy luật phát triển kinh tế, các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như các hiệp định quốc tế trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; thứ ba, để phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng phát triển phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại các địa phương và theo đúng tính chất của ngành du lịch, Nghị quyết chỉ rõ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn không phải là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương, chỉ tập trung ở các tỉnh/thành có tiềm năng, dư địa phát triển.
"Cởi trói" về thể chế, tạo dựng niềm tin
Ông Hoàng Nhân Chính- Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, người có thâm niên gắn bó với ngành du lịch - cho hay, trước thời điểm ra đời của Nghị quyết, ngành du lịch đang trải qua một giai đoạn phát triển cầm chừng, nhất là còn bộn bề khó khăn, chưa tìm được hướng đi nào để có thể “cất cánh” bắt kịp xu thế phát triển cùng thế giới. Vì vậy, “năm 2017, nếu không có Nghị quyết 08-NQ/TW ngành du lịch sẽ không có một động lực mang tính bước ngoặt để phát triển bứt phá hơn, như vậy sẽ chỉ phát triển cầm chừng với nhiều khó khăn, khó có thể cạnh tranh. Do đó, theo tôi Nghị quyết đã ra đời đúng thời điểm, hết sức cần thiết”- ông Chính nói.
Việc Nghị quyết 08-NQ/TW đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo các chuyên gia nghiên cứu du lịch Bộ Chính trị đang tập trung, dồn sức để du lịch thực sự phải là ngành kinh tế, có sự đóng góp vào GDP của đất nước, ít nhất là trên 10%; và phải có tác động đến một loạt các ngành kinh tế khác, thậm chí là động lực kéo các ngành khác phát triển. Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, nếu so với trước đây, thì mục tiêu này là hoàn toàn mới, bởi ngành du lịch chưa làm và chưa được định nghĩa là ngành kinh tế, nên hầu như sự tăng trưởng chỉ tập trung vào chỉ tiêu số lượng khách.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng giám đốc Công ty HanoiRedtour - từ nay chính sách phát triển du lịch sẽ không chỉ là khẩu hiệu hô hào mà sẽ có sự ưu tiên, chỉ đạo, triển khai thực tế một cách quyết liệt… “Khi có Nghị quyết 08, buộc các bộ ngành, địa phương phải luật hóa tinh thần của Nghị quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện và hợp tác để du lịch phát triển. Tại các địa phương, trong cơ cấu kinh tế sẽ xác định rõ hơn mục tiêu lĩnh vực phát triển và dành những ưu tiên chiến lược”- ông Hoan nhấn mạnh.
Bàn về 8 giải pháp mà Nghị quyết 08-NQ/TW nêu, giới phân tích đều đồng thuận cho rằng, đây đều là những yếu tố then chốt để du lịch phát triển, như: thể chế chính sách, nhân lực, cơ cấu hạ tầng, xúc tiến, phát triển doanh nghiệp (DN) và cộng đồng, tăng cường hiệu quả quản lý. Trong đó, suốt chiều dài phát triển của ngành du lịch, vấn đề được những người trong ngành rất mong mỏi giải quyết đó là hoàn thiện về thể chế, chính sách. Bởi lâu nay ngành du lịch luôn “bị trói” vào một thể chế, chính sách chậm đổi mới, thiếu phù hợp với thực tiễn. “Vì vậy, khi Nghị quyết bàn về thể chế chính sách, nghĩa là ngành du lịch có thể dựa vào kim chỉ nam này để đề xuất Chính phủ sửa đổi, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt, gỡ bỏ các chính sách đang gây khó, cản trở phát triển” - ông Hoàng Nhân Chính phân tích thêm.
Sau gần 2 năm, Nghị quyết 08- NQ/TW được ban hành đã tạo làn sóng mới đối với ngành du lịch và giúp ngành du lịch gặt hái khá nhiều thành tựu. Trong đó, du lịch Việt Nam đang có sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ không chỉ số lượng mà còn ở chất lượng; Việt Nam liên tiếp được vinh danh là điểm đến hàng đầu. |
Kỳ vọng mới
Sau gần 2 năm ra đời của Nghị quyết, làn gió mới đã lan tỏa rộng khắp trong ngành du lịch, mang đến nhiều sự thay đổi tích cực. Cụ thể, mức chi tiêu bình quân một ngày của du khách đến từ hầu hết các thị trường đều gia tăng, trong đó năm 2017 hai thị trường lớn của Việt Nam là Hàn Quốc tăng 28,5% (từ 133,4 USD/ngày lên 171,5 USD/ngày), Trung Quốc tăng 9,6% (từ 118,6 USD/ngày lên 130,1 USD/ngày). Mặt khác, tỷ lệ khách du lịch đến Việt Nam lần thứ 2 trở lên đạt 40,4%, tăng 33,0% so với năm 2014. Nếu như năm 2011 cả nước có 13.000 cơ sở lưu trú du lịch với 265.000 buồng, thì đến năm 2017 đạt 25.600 cơ sở lưu trú với 508.000 buồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm về số buồng trong giai đoạn 2011-2017 là 11%, trong đó số buồng khách sạn 4-5 sao tăng lần lượt là 14% và 19% mỗi năm.
Bên cạnh đó, điều kiện đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam cũng đã có sự phát triển ấn tượng. Hiện Việt Nam có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam, nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam đi các quốc gia được mở rộng; lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, đa phần là khách chi tiêu cao, năm 2017 chiếm 84,4% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Theo báo cáo của “Xu hướng du lịch Mê Kông 2017”, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng với Băng Kok (Thái Lan), Côn Minh (Trung Quốc) đã trở thành điểm trung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới.
Năm 2017, năm ra đời của Nghị quyết 08- NQ/TW cũng là năm ngành du lịch đạt kỳ tích chưa từng có trong lịch sử phát triển, đó là đón trên 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 29,1% so với năm 2016), phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 18,1% so với năm 2016). Riêng 9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch tiếp tục được duy trì ở mức cao, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 11.616.490 lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017; khách du lịch nội địa ước đạt 62,1 triệu lượt khách.
Sự gia tăng về chất lượng đã góp phần gia tăng tổng thu từ khách du lịch quốc tế, năm 2017 đạt 541 nghìn tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2016. Trong đó, tổng thu từ khách du lịch quốc tế (giá trị xuất khẩu du lịch) năm 2017 đạt 316 nghìn tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2016 và tăng 60% so với năm 2015. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP ngày càng lớn, nếu như năm 2015 là 6,3%, 2016 là 6,9% thì năm 2017 đạt khoảng 7,9%.
Hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn được biết đến rộng rãi trên thế giới |
Nghị quyết 08- NQ/TW ra đời với niềm tin về sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã mang đến những tác động tích cực đối với hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Công Hoan cho biết, cuối năm 2017, hiệu quả kinh doanh tại HanoiRedtour đã có biểu hiện mới. Năm 2018, lần đầu tiên doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 40%, đây là mức nhảy vọt trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng chỉ sau 9 tháng của năm nay, mức tăng trưởng của HanoiRedtour đã vượt mốc đạt 150%. “Đây là kỳ tích của doanh nghiệp, nhưng quan trọng là nhờ sự phấn khởi sau khi có Nghị quyết 08-NQ/TW, toàn bộ tập thể doanh nghiệp rất đồng lòng và đặt quyết tâm trong hành động. Chúng tôi luôn lấy Nghị quyết để động viên cán bộ, chỉ cho họ thấy rằng ngành du lịch đang được ủng hộ, quan tâm rất nhiều từ Đảng, Nhà nước”- ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Có được những “trái ngọt” đó là nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành, trong đó phải kể tới chiến dịch xúc tiến quảng bá đã được thực hiện quy mô nhất từ trước tới nay. Như lời ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Chưa bao giờ hoạt động xúc tiến, quảng bá lại được thực hiện sôi nổi, liên tục như con thoi đến thế, nhất là trong tháng 8,9. Chỉ trong một thời gian ngắn, du lịch Việt Nam đã tiếp cận, xâm nhập nhiều thị trường trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường lần đầu tiên và phải 15-20 năm ngành du lịch Việt Nam mới dừng chân quảng bá như Trung Đông, Bắc Mỹ...
“Sự ra đời của Nghị quyết 08-NQ/TW thật sự trở thành một đòn bẩy để ngành du lịch chuyển động và quyết liệt triển khai trên toàn mặt trận; và tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong tương lai. Tuy nhiên để duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt về tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch nhận thấy cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.”- ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Với điểm tựa của Nghị quyết 08/NQ-TW sẽ là động lực để toàn ngành du lịch viết tiếp kỳ tích đã đạt được trong năm 2017-2018 bằng những kế hoạch cụ thể, triển khai quyết liệt và toàn diện. Theo đó, thời gian tới, Tổng cục Du lịch cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nỗ lực thực hiện kế hoạch tăng trưởng Chính phủ giao năm 2018, phấn đấu đón 16 triệu lượt khách quốc tế (tăng 24% so với năm 2017), phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 9% so với năm 2017) và tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2017).