CôngThương - Diện tích gieo trồng rau quả ở nước này chiếm khoảng 16% diện tích canh tác của quốc gia, đạt 1,3 triệu ha, trong đó 1.060.000 ha dùng để trồng cây ăn quả và 260 000 ha dùng để trồng rau. Nhờ vậy, mùa vụ 2006 -2007, sản lượng rau quả của Ma rốc đạt 9 triệu tấn, trong đó 3 triệu tấn quả và 6 triệu tấn rau các loại.
Việc trồng rau gồm 3 phân ngành chính: Trồng rau theo mùa vụ, chủ yếu trồng ngoài cánh đồng lớn; trồng rau trái vụ; trồng rau dùng cho công nghiệp thực phẩm. Có rất nhiều loại rau, nếu phân theo thành phần cây rau để thu hoạch thì có các loại: rau ăn củ (cà rốt, củ cải, khoai tây...), rau ăn quả (cà chua, dâu tây, ớt…), rau ăn lá (xà lách, bắp cải…).
Với diện tích khoảng 30.000 ha, rau quả trái vụ của Ma rốc đạt sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn , trong đó 580 ngàn tấn dùng cho xuất khẩu. Cà chua chiếm 61% /tổng sản lượng rau xuất khẩu, tiếp đến là đậu, bí xanh, ớt quả, dâu tây và dưa hấu. Phân ngành này tạo ra 60 triệu ngày lao động, trong đó 50 triệu ngày lao động dùng trong sản xuất và 10 triệu ngày dùng trong đóng gói, bảo quản và các hoạt động khác; số ngày lao động này tương đương với 200.000 lao động thường xuyên. Lĩnh vực rau trái vụ tươi xuất khẩu chủ yếu do các nhóm tư nhân có mô hình tổ chức chặt chẽ thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này bị hạn chế rất nhiều bởi lượng hạn ngạch mà EU không chế hàng năm.
Các loại rau chính vụ được trồng chủ yếu trên các cánh đồng rộng lớn, thiếu đa dạng về chủng loại, luôn bị ảnh hưởng về cơ cấu thị trường, quan hệ giữa chất lượng và giá.
Phân ngành hoa quả nhóm cam, quýt có vai trò về kinh tế và xã hội rất quan trọng tại Ma rốc, hàng năm tạo ra giá trị ngoại tệ tương đương với 3 tỷ DH, tạo công ăn việc làm với khoảng 21 triệu giờ lao động. Phân ngành này đảm bảo nguyên liệu đầu vào và duy trì hoạt động cho ngành công nghiệp đóng gói và chế biến; diện tích gieo trồng khoảng 85 ngàn ha với sản lượng trong các năm gần đây dao động từ 1,3 đến 1,7 triệu tấn (trong đó 59 % sản lượng là cam). Số lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 600.000 tấn, trong đó 53% xuất đi Nga, 23% xuất đi EU, 13% xuất đi Canada và 11% xuất đi các nước thuộc khu vực Scandinavơ và Hoa Kỳ. Vùng gieo trồng các loại hoa quả này được phân bổ: Soussa – Massa chiếm 40,5%, Gharb 19,8%, Moulouya 16,8 %, Tadla 14,1%, Haouz 7,3% và Louklos 1,6% . Nhóm cam quýt tại Ma rốc gồm có 3 loại chính: Navel, Valencia và Clementine; ngoài ra cũng có một số chủng loại khác với những khác biệt về chất lượng và năng suất. Hiện nay, việc phát triển ngành này gặp phải một số những hạn chế như: cây trồng ngày càng bị cằn cỗi, việc sử dụng loại cam đắng được coi là giải pháp duy nhất để lai ghép cây ăn quả tai Ma rốc. Số cây ăn đã bắt đầu vào giai đoạn già cỗi (tuổi đời trên 35 năm) lên đến 24%; 95 % cây họ cam quýt được lai ghép với loại cam đắng, trong khi loại cam này rất nhạy cảm với loại virus Citrus Tristeza - loại vi rút gây ra loại bệnh Tristeza có khả năng phá hủy các loại cây ăn quả họ cam quýt ở nước này.
Ô liu là cây ăn quả chủ yếu của Ma rốc, chiếm diện tích gieo trồng khoảng 680 ngàn ha, được trồng khắp nơi trên lãnh thổ Ma rốc trừ vùng ven biển Đại Tây Dương; 96 % là giống ô liu Picholine, dùng cả trong việc sản xuất dầu và và đóng hộp. Phân ngành này cho phép thực hiện việc thâm canh trong nông nghiệp, tạo 15 triệu ngày lao động mỗi năm, đạt sản lượng 1,5 triệu tấn mùa vụ 2009 – 2010, tăng 76 % so với mùa vụ trước đó và 102 % so với mức trung bình của 5 năm trở lại đây. Với sản lượng này, Ma rốc sản xuất đã được 160 ngàn tấn dầu và 90 ngàn tấn ô liu đóng hộp. Trong chương trình “Kế hoạch xanh”, cây ô liu được sự hỗ trợ về việc xây dựng các điều kiện khung của phân ngành này, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm và việc quảng bá chất lượng. Toàn ngành phấn đấu đạt 1,22 triệu ha vào năm 2020. Hiện nay, ngành chế biến đã đáp ứng được 16% nhu cầu nội địa về dầu thực phẩm. Ma rốc đang xếp vị trứ thứ 2, sau Tây Ban Nha về mặt hàng ô liu đóng hộp.
Nhờ vào vị trí địa lý, điều kiện nông nghiệp, khí hậu thuận lợi và nguồn nhân công dồi dào, Ma rốc có ưu thế về nhiều loại cây hoa quả đỏ mùa đông phục vụ cho thị trường châu Âu như: phúc bồn tử, dâu, mận, mơ.. Giá bán những loại hoa quả này cũng thuộc loại "ngất ngưởng" trên thế giới.
Ở Ma rốc, rau và hoa quả đóng hộp chiếm vị trí hàng đầu, tiếp đến là các sản phẩm nước ép và thực phẩm chế biến sẵn từ cà chua. Rau đóng hộp chiếm vị trí hàng đầu về mặt giá trị gia tăng và xuất khẩu (chủ yếu là ô liu và dưa chuột bao tử), hoa quả đóng hộp xếp vị trí thứ 2 (chủ yếu là mặt hàng mơ). Tuy nhiên ở Ma rốc, lĩnh vực rau hoa quả chế biến gặp một số hạn chế cả thượng nguồn (các khó khăn đặc thù của ngành nông nghiệp) và hạ nguồn (bản thân các đơn vị chế biến). Việc sản xuất rau quả phục vụ ngành công nghiệp chế biến đang có chiều hướng giảm do ít được hiện đại hóa, sản phẩm kém đa dạng, cơ cấu manh mún (90% các diện tích gieo trồng từ 0,5 đến 5 ha); các vùng sản xuất cách xa các cơ sơ chế biến. Chính vì vậy, ngành chế biến luôn trong tình trạng trông chờ nguyên liệu. Trong khi đó, giá cước vận chuyển, đóng gói và năng lượng cao, công tác nghiên cứu trong lĩnh vực lương thực thực phẩm còn hạn chế.
Do còn nhiều hạn chế nên các doanh nghiệp xuất khẩu Ma rốc luôn bị cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp của các nước khác như Ai cập và Tunisie bởi chất lượng sản phẩm không cao.