Từ xây dựng nền hành chính hiện đại
11 giờ trưa, chúng tôi mới tới trụ sở Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh. Sắp đến giờ nghỉ, nhưng những cán bộ của Ban vẫn làm việc nghiêm túc tại vị trí của mình. Điều này đã giải thích tại sao “là cơ quan giải quyết nhiều nhất số lượng thủ tục hành chính, lên tới 7.000 hồ sơ/năm, nhưng Ban luôn giải quyết kịp thời, không có bộ hồ sơ nào trả chậm” ,như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Long – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh với chúng tôi.
Trung tâm hành chinh công tỉnh Bắc Ninh |
Thực tế, bên cạnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung kết hợp với thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại, trong những năm qua, toàn tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”, xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; quyết tâm đồng hành cùng cộng đồng DN.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Vũ Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh - cho biết: điểm nổi bật nhất trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Bắc Ninh đó là vào tháng 7/2017, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đưa mô hình thí điểm Trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp tỉnh đi vào hoạt động, là đầu mối tập trung thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình “Một cửa liên thông hiện đại” tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, bộ chỉ số năng lực cạnh tranh DCI Bắc Ninh được đưa vào áp dụng từ năm 2016. Đây là công cụ giám sát từ doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Do đó, trong thời gian qua, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh luôn xếp thứ hạng cao trong cả nước. Chẳng hạn, năm 2017, chỉ số PAPI xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố cả nước
Trước vấn đề này, ông Tạ Đăng Đoan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, sợi dây xuyên suốt tạo môi trường thuận lợi cho DN đã được chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới. Điều này, thể hiện qua TTHCC của tỉnh. Ở đây, tất cả các sở, ban, ngành sẽ cử cán bộ có thẩm quyền tới cùng tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt tại chỗ. Với mô hình này, nhiều hồ sơ được trả kết quả ngay trong ngày. “Bắc Ninh đã xác định lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo chuyển biến căn bản về bộ máy hành chính, trong đó nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, quy định rõ chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của cán bộ, công chức để giải quyết thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất” – ông Tạ Đăng Đoan cho biết thêm.
Góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại còn ở nỗ lực tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Theo ông Nguyễn Trọng Tân – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, đến nay, tỉnh đã thực hiện sáp nhập, giải thể được 49 đầu mối các cơ quan, đơn vị. Sau khi kiện toàn, sắp xếp lại, các tổ chức mới đã sớm ổn định, đi vào hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ, phát huy hiệu quả.
Đến mô hình “bác sỹ” doanh nghiệp
Cùng với việc chú trọng giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ” DN, Bắc Ninh còn tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình “Bác sỹ DN” và “Tổ công tác hỗ trợ DN” để có thể hỗ trợ DN một cách tốt nhất; quyết tâm đồng hành cùng cộng đồng DN, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của DN là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế. “Đây được coi là một kênh thông tin quan trọng, kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho DN; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thân thiện, an toàn, minh bạch hơn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ rào cản trong sản xuất kinh doanh, phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hỗ trợ, tạo “sóng” khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ và có chuyển biến tích cực, hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị” – Bà Vũ Thị Phương Thảo chia sẻ.
Hoạt động sản xuất tại Khu Công nghiệp Quế Võ |
Minh chứng cụ thể cho hiệu quả của các mô hình hỗ trợ DN này, ông Tạ Đăng Đoan nhớ lại thời điểm đầu tiên tỉnh Bắc Ninh thu hút được những tập đoàn nước ngoài lớn về đầu tư tại địa phương như Samsung, Canon hay các tập đoàn lớn khác. “Khi các nhà đầu tư nước ngoài về, đòi hỏi đầu tiên của họ là hạ tầng gồm đường, điện. Tuy nhiên, có những trạm biến áp lại không có trong quy hoạch, nhưng trước yêu cầu của các tập đoàn chúng tôi phải nghiên cứu, bổ sung quy hoạch để trình Bộ Công Thương ra quyết định và phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc triển khai thực hiện lắp trạm đáp ứng cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Sở cũng xây dựng những tổ công tác phối hợp với DN nước ngoài có uy tín để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước theo quy trình, quy chuẩn của các tập đoàn quốc tế yêu cầu” – ông Tạ Đăng Đoan cho biết và đồng thời cũng khẳng định: “Ngành Công Thương luôn luôn chia sẻ với DN, đồng hành với DN và sẽ hỗ trợ hết sức theo đúng thẩm quyền của mình, cụ thể hóa, chi tiết hóa và truy suất đến cùng. Đặc biệt, không câu giờ, không sách nhiễu, bởi xác định việc DN là việc của mình, làm vì lợi ích của tập thể và sự phát triển của địa phương”.
Đại diện cho Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, ông Nguyễn Đức Long cũng chia sẻ, quan điểm của Ban Quản lý là tạo điều kiện tốt nhất có thể, coi sự thành công của DN là thành công của chính mình. Nhờ đó, nhiều DN đã tin tưởng đầu tư tiếp và đầu tư mở rộng, kéo các bạn hàng, kéo các đối tác của họ về cùng đầu tư ở đây. Quan điểm này là “kim chỉ nam” không chỉ của lãnh đạo Ban mà các nhân viên đều thực hiện với phương châm “được phục vụ DN”.
Bà Vũ Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh: Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, đã mang lại những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển DN của tỉnh Bắc Ninh. |
Kỳ III: Vững bước trên con đường đổi mới