CôngThương - Mười một doanh nghiệp này chủ yếu cung cấp phụ tùng và máy móc chuyên ngành, như máy uốn, khoan lỗ, cắt, hàn,…Ngoài ra, doanh nghiệp Ý cũng giới thiệu công nghệ gia công kim loại quý như vàng bạc và kim cương.
Theo ông Marco Saladini, trưởng đại diện Văn phòng Thương vụ Ý tại TPHCM, trong năm 2010, xuất khẩu máy móc của Ý sang Việt Nam đã giảm 33%, từ mức 18 triệu euro trong năm 2009 xuống còn 12 triệu euro, do suy thoái kinh tế. Trong năm 2010, xuất khẩu máy gia công kim loại (metalworking machine) của Ý sang Việt Nam có tăng 12%, nhưng nhìn chung số lượng không đáng kể.
Trong thời gian từ 2005 đến 2009, thị phần máy móc chuyên ngành của Ý tại Việt Nam đạt khoảng 4%.
Theo ông Marco Saladini, doanh nghiệp Ý nhận thấy Việt Nam là thị trường không dễ tiếp cận. Cụ thể, máy móc của Ý chịu nhiều cạnh tranh từ sản phẩm các nước khác tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu máy móc kỹ thuật cao ở Việt Nam dù đang có xu hướng tăng nhưng không nhiều. Do đó, để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Ý tập trung cho khâu hậu mãi.
Liên quan đến đầu tư, ông Marco Saladini cũng cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, có nhiều doanh nghiệp cung cấp linh kiện cho hãng Piaggio đang xem xét việc vào đầu tư tại thị trường Việt Nam. Hiện có một số doanh nghiệp Ý đang đầu tư trong công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, như hai công ty sản xuất nút áo là Gritti và Berbrand.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến ngày 23-6-2011, Ý đứng thứ 31 trong tổng số 93 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 39 dự án và tổng vốn đầu tư trên 187 triệu đô la Mỹ. Từ đầu năm nay đến ngày 22-6, không có dự án nào được đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ Ý.