Ngày 21/10, trang Army Recognition dẫn các báo cáo gần đây tiết lộ rằng, tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-9 của Triều Tiên đã được triển khai để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Theo đó, thông tin này được chia sẻ trên nền tảng X (trước đây là Twitter) bởi Chuck Pfarrer, cựu lãnh đạo Đội SEAL Team Six của Hải quân Mỹ và là nhà phân tích quân sự có uy tín. Theo báo cáo, những tên lửa này đã xuất hiện trên chiến trường Ukraine từ tháng 11 năm ngoái, đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc xung đột khi Triều Tiên bắt đầu cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga.
Hwasong-9 là tên lửa đạn đạo tầm trung do Triều Tiên phát triển dựa trên thiết kế Hwasong-6 (Scud-C), có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 500 -700 km. (Nguồn ảnh: website MDAA) |
Tên lửa Hwasong-9 là một trong những thành phần chủ chốt trong kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Loại tên lửa này được phát triển nội địa từ Hwasong-6, vốn là phiên bản nâng cấp của tên lửa Scud-C thời Liên Xô. Với khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, Hwasong-9 là tên lửa đất đối đất di động, có tầm bắn ước tính từ 500 - 700km. Điều này giúp nó có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi tầm ngắn đến trung bình, khiến nó trở thành một vũ khí nguy hiểm trên chiến trường.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Hwasong-9 là tính cơ động và khả năng linh hoạt, nhờ được trang bị trên bệ phóng vận chuyển (TEL). Điều này cho phép tên lửa dễ dàng di chuyển, định vị lại nhanh chóng và phóng đi một cách bất ngờ, gia tăng khả năng sống sót trên chiến trường. Đây là kết quả từ chiến lược dài hạn của Triều Tiên trong việc điều chỉnh và cải tiến các công nghệ nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu quân sự của mình, đồng thời phản ánh quá trình chuyển giao công nghệ quân sự giữa Nga, Iran và Triều Tiên.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tên lửa, Triều Tiên còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đạn dược cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo Army Recognition, Triều Tiên đã cung cấp khoảng một nửa số đạn cỡ nòng lớn được sử dụng trên chiến trường vào năm 2024, ước tính lên đến hơn 2 triệu viên. Bên cạnh đó, tên lửa đạn đạo KN-23 của Triều Tiên cũng đã được sử dụng trong nhiều cuộc tấn công ở Ukraine vào mùa đông 2023-2024. Thông tin này càng được khẳng định khi vào tháng 5/2024, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) xác nhận rằng Nga đã triển khai tên lửa Triều Tiên, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Vladimir Putin vào tháng 9/2023.
Theo Army Recognition, việc triển khai tên lửa Hwasong-9 trên chiến trường Ukraine đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này. Dù các mục tiêu bị tấn công bởi loại tên lửa này vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng sự xuất hiện của Hwasong-9 cho thấy mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga. Nga, sau hơn một năm rưỡi chiến tranh khốc liệt, đang tìm cách tăng cường nguồn cung vũ khí và đạn dược, và Triều Tiên trở thành đối tác chiến lược trong việc cung cấp các trang bị quân sự cần thiết.
Đối với Ukraine, sự hiện diện của tên lửa Hwasong-9 càng làm tăng thêm thách thức cho chiến lược phòng thủ của nước này. Ukraine hiện chủ yếu dựa vào các hệ thống phòng không được cung cấp bởi các đồng minh phương Tây để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa từ phía Nga. Tuy nhiên, việc phải đối phó với một loại tên lửa mới và công nghệ tiên tiến như Hwasong-9 có thể buộc Ukraine phải điều chỉnh chiến lược, vì nước này chưa có kinh nghiệm đối phó với hệ thống vũ khí của Triều Tiên.