Tăng cường pháp chế quản lý hoạt động thương mại điện tử Bộ Công Thương hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam và Kỷ niệm 40 năm thành lập Vụ Pháp chế |
Đây không chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan, đơn vị, mà là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Công Thương.
Vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với ngành Công Thương
Tăng cường pháp chế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trên phạm vi tất cả các ngành, lĩnh vực. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “…tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên;…”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu, chỉ đạo tại Hội nghị Hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương). |
Theo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, “pháp chế là sự tuân thủ luật của những người tham gia các quan hệ xã hội”.
Làm rõ hơn về nội hàm của pháp chế, V.I. Lênin chỉ rõ: “Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị - xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân viên nhà nước và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện Hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của tập thể, của công dân đều bị xử lý theo pháp luật”.
Từ quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, nói đến pháp chế xã hội chủ nghĩa là nói đến “sự tuân thủ pháp luật” bắt buộc đối với mọi chủ thể tham gia vào các mối quan hệ xã hội, không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đứng trên pháp luật và mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Mục đích của pháp chế xã hội chủ nghĩa hướng đến thiết lập một chế độ pháp luật thống nhất, hợp lý và áp dụng chung. Để đạt được mục đích này, Nhà nước không chỉ bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân “tôn trọng và thực hiện Hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác” mà còn phải ban hành các quy định phản ánh đúng với ý chí của đông đảo quần chúng nhân dân lao động và trình độ phát triển của xã hội.
Như vậy, thực chất tăng cường pháp chế là tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thi hành pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong xã hội thượng tôn pháp luật, pháp chế luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng trên mọi ngành, lĩnh vực và ngành Công Thương không phải là ngoại lệ. Pháp chế xã hội chủ nghĩa đảm bảo hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể nằm trong khuôn khổ pháp luật, làm cho Hiến pháp, pháp luật đi vào đời sống thực tiễn và cũng là công cụ giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu quản lý đối với xã hội.
Một số vấn đề cơ bản về pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành Công Thương hiện nay
Trong bối cảnh đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ và thách thức, tăng cường pháp chế trở thành một đòi hỏi cấp thiết và bắt buộc đối với ngành Công Thương. Tuy nhiên, để ngành Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ này, các tổ chức đảng, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc cần nhận diện và giải quyết một số vấn đề về thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành Công Thương hiện nay.
Thứ nhất, vấn đề thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật
Pháp luật phải được nhận thức và thực hiện thống nhất trong toàn ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị. Lênin khẳng định: “Pháp chế không thể là pháp chế của tỉnh Caluga hoặc tỉnh Ca-dan được mà phải là pháp chế duy nhất cho toàn nước Nga và cho cả toàn thể Liên bang các nước cộng hòa Xô-Viết nữa”. Điều này đòi hỏi pháp luật phải có cách hiểu đơn nhất, được áp dụng thống nhất trong toàn ngành công thương, từ trung ương đến địa phương, qua đó đảm bảo mọi hoạt động quản lý nhà nước trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế (nguồn: Vuasanca ) |
Pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội nói chung và trong hoạt động hành chính công vụ nói riêng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các cán bộ, đảng viên phải có tư tưởng đặt mình dưới sự điều chỉnh của pháp luật, chấp hành Hiến pháp và pháp luật một cách nghiêm minh, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và phù hợp
Hệ thống pháp luật Công Thương tương đối đồ sộ với nhiều luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư,… Tuy nhiên, nhiều văn bản còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên hoặc văn bản của bộ, ngành khác hoặc không phù hợp với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội hay có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một quy định.
Do đó, vấn đề cấp thiết không chỉ là ban hành quy định điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mà còn là đảm bảo quy định có tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phản ánh đúng đắn trong pháp luật các đòi hỏi của sự phát triển xã hội, phù hợp với ý chí của đông đảo quần chúng nhân dân lao động, các giá trị văn hóa - xã hội và dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng với người dân.
Thứ ba, tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật
Mỗi văn bản pháp quy đều hướng đến điều chỉnh những mối quan hệ xã hội cụ thể và tác động đến các chủ thể trong mối quan hệ đó. Trước khi buộc họ phải tuân thủ, các chủ thể này cần được biết và hiểu pháp luật. Nếu quy định pháp luật đảm bảo yêu cầu tính hợp lý mà pháp chế xã hội chủ nghĩa đặt ra thì các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sẽ tự giác chấp hành, tự kiềm chế và điều chỉnh hành vi của mình trong khuôn khổ pháp luật. Vì vậy, phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn trước và sau khi ban hành là một vấn đề quan trọng, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của pháp luật và đạt được mục đích của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, xử lý vi phạm pháp luật
Bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng đều xâm phạm đến lợi ích của chủ thể khác được pháp luật bảo vệ. Pháp luật không thể có được sự tuân thủ nếu hành vi vi phạm không được xử lý, trừng phạt một cách thích đáng. Lê-nin viết: “Tính nghiêm minh của pháp luật hoàn toàn không phải ở chỗ hình phạt đó phải nặng, mà ở chỗ phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt”. Bởi vậy, trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phải thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không phân biệt đối tượng, chức vụ, địa vị xã hội.
Thứ năm, xử lý mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế
Pháp chế không đồng nghĩa với việc kiềm chế, triệt tiêu sự năng động, sáng tạo trong công việc và dân chủ tại các cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ, pháp chế không chỉ đặt ra nghĩa vụ tuân thủ mà còn tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện các quyền được pháp luật quy định. Vì vậy, nếu pháp luật khuyến khích sáng tạo trong công việc, đảm bảo dân chủ ở cơ sở thì cán bộ có quyền sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, tập thể và của bản thân mình.
Mặt khác, pháp chế không chỉ có nội hàm về sự tuân thủ Hiến pháp, pháp luật mà còn đặt ra yêu cầu đối với tính hợp lý của pháp luật. Đối với những quy định pháp luật lỗi thời, không còn phù hợp, bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền được lên tiếng, chỉ ra những điểm bất cập và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi pháp luật.
Giải pháp tăng cường pháp chế trong ngành Công Thương
Một là, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương và cấp ủy tại cơ quan, đơn vị. Tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên lãnh đạo công tác pháp chế, phát hiện, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực và kiểm tra chặt chẽ hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương và địa phương.
Hai là, quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ. Vì vậy, ngành Công Thương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa để nhanh chóng phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân cũng như hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.
Ba là, công tác xây dựng và thực hiện pháp luật cần tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng của quần chúng, nhân dân. Theo đó, các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách; tham vấn chính sách, pháp luật; tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật, nhằm hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội.
Bốn là, tổ chức tốt công tác thực thi pháp luật trong ngành công thương. Hoạt động thực thi công vụ cần tuân thủ nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm còn Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép; đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, vô cảm và hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nghiệm của cán bộ, đảng viên.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật phải đặc biệt coi trọng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và các cơ quan, tổ chức đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm và xử lý thích đáng theo quy định pháp luật./.