VIP - mô hình đầu tư thành công của Singapore tại Việt Nam |
AEC - cơ hội hút vốn FDI
Theo TS. Hoàng Văn Cương - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc AEC ra đời vào cuối năm 2015 cùng với một loạt các hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư (Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN- ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA) và Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ - AFAS sẽ làm tăng sức hấp dẫn của khu vực trong thu hút FDI.
Khi AEC được thành lập, các quốc gia thành viên sẽ trách nhiệm lớn hơn trong việc đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khối. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam có những lợi thế nổi trội, do chế độ chính trị ổn định, dân số đông, trong đó phần lớn là trong độ tuổi lao động, chính sách thu hút đầu tư đang được cải thiện theo hướng tích cực... Đây là cơ hội tốt để Việt Nam nhận được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nội khối ASEAN.
“Ngoài ra, trong quan hệ đầu tư, AEC là cầu nối để nhiều khoản đầu tư của công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN đầu tư vào Việt Nam, đem lại cơ hội thu hút nguồn vốn FDI từ bên ngoài khối ASEAN”- TS. Hoàng Văn Cương nhấn mạnh.
Không thu hút FDI bằng mọi giá
Cơ hội thu hút FDI của Việt Nam rất lớn, song theo ông Phạm Phú Minh - CIEM, Việt Nam đang có sự tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh; công nghệ kỹ thuật; chất lượng nguồn lao động và các lĩnh vực xã hội khác. Theo đó, các tiêu chí để thu hút và lựa chọn những dự án FDI cần phải được thay đổi theo hướng tích cực, chặt chẽ, tiến bộ hơn. Từ ý kiến trên, ông Minh cho rằng, thời gian tới, việc tiếp nhận nguồn vốn FDI nói chung và FDI nội khối ASEAN nói riêng cần được chọn lọc có mục đích, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ “sạch” và bảo vệ môi trường; không thể thu hút, tiếp nhận bằng “mọi giá”.
TS. Hoàng Văn Cương nhấn mạnh: Nguồn vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới cần được lựa chọn nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Trong đó, chú trọng thu hút FDI không chỉ để tạo giá trị xuất khẩu đơn thuần mà phải có chuyển giao công nghệ, quản trị tiên tiến, nâng cao chất lượng kinh tế Việt Nam.
Nguồn vốn FDI cần tập trung vào các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho dự án công nghệ cao. Đặc biệt, lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ, phải xây dựng mô hình liên kết ngang, hình thành doanh nghiệp vệ tinh, sản xuất linh kiện cho doanh nghiệp FDI xuất khẩu. Gắn chặt thu hút FDI với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, phù hợp với từng ngành, khu vực và các điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực, hướng vào ngành nghề, sản phẩm cụ thể, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả nguồn vốn FDI mang lại.
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới cần được lựa chọn nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. |