Các công ty Trung Quốc đang đổ bộ đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính Trung Quốc khuyến cáo họ nên tránh đổ bộ tràn lan vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đồng nhất, bởi điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.
Nhà sản xuất xe điện BYD đã mở nhà máy sản xuất tại Rayong, Thái Lan, vào tháng 7/2024. (Ảnh: Reuters) |
Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Financial Street gần đây, ông Lin Jingzhen, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch điều hành của của Bank of China cho biết, hoạt động của các công ty Trung Quốc có năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á đã gây áp lực rất lớn cho các công ty địa phương.
“Đây là vấn đề chúng ta cần đặc biệt chú ý vì nó cũng sẽ cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ trong khu vực” - ông Lin nói.
Đối mặt với thị trường trong nước ngày càng bão hòa và các rào cản thương mại gia tăng từ các nước phương Tây nhắm vào các sản phẩm “sản xuất tại Trung Quốc”, việc triển khai hoạt động và xây dựng nhà máy ở nước ngoài đã trở thành con đường duy nhất để tăng trưởng đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhờ các lợi thế như thuế quan thấp, chi phí nhân công rẻ, vị trí địa lý gần và văn hóa tương đồng, Đông Nam Á đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn mở rộng ra nước ngoài và là điểm đến chính cho các hoạt động chuyển giao công nghiệp từ Trung Quốc.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch China Galaxy Securities, ông Wang Sheng phát biểu rằng chuỗi cung ứng của Trung Quốc và ASEAN là kết quả của sự tương trợ cho nhau, đồng thời hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này đã vượt qua đầu tư vào châu Âu và Hoa Kỳ.
Ông Wang cho biết, từ tháng 1 đến tháng 7/2024, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước thành viên ASEAN đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lin Jingzhen đề xuất, các cơ quan như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - và Bộ Thương mại nên hợp tác với các hiệp hội công nghiệp trong quá trình lập kế hoạch tổng thể về đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Đông Nam Á, nhằm mục đích tránh tạo ra tình trạng độc quyền, cạnh tranh đồng nhất và lãng phí quá mức tài nguyên.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 15 năm qua và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020. Sau cuộc họp tại thủ đô Viêng Chăn của Lào bên lề diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 10/2024, cả hai bên đều tuyên bố rằng các cuộc đàm phán về Phiên bản 3.0 của Khu vực thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-ASEAN đã đạt được “kết quả cơ bản” và họ đang nỗ lực để ký kết thỏa thuận sửa đổi vào năm tới. |