Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa thiết lập một trung tâm phân tích đặc biệt ở Ba Lan để thu thập và xử lý tất cả các dữ liệu chiến thuật và chiến lược mà cuộc xung đột này tạo ra.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trung tâm mới được thành lập này “sẽ cho phép Ukraine chia sẻ những bài học được rút ra từ cuộc chiến tranh của Nga”.
Việc tìm cách rút ra được những kết luận về chiến lược và tác chiến từ một cuộc chiến đang diễn ra là khá khó khăn, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào nhiều biến số mà hầu hết vẫn chưa biết được. Tuy nhiên, ít có nghi ngờ rằng cuộc xung đột lớn nhất này của châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ làm thay đổi tương lai của chiến tranh.
Xung đột Nga-Ukraine báo hiệu sự ra đời của một kỷ nguyên mới về chiến tranh công nghệ cao. Ảnh: RIA Novosti |
Một mặt, không còn nghi ngờ gì nữa, chiến sự ở Ukraine đã mang đến cho các công nghệ mới với sự thúc đẩy bất ngờ. Đồng thời, cuộc chiến này cũng là một lời nhắc nhở rằng công nghệ không phải là tất cả.
Bà Stacie Pettyjohn, Giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ, một tổ chức tư vấn, nhận định, “xung đột tại Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao sức lực khi mỗi bên đều cố gắng làm suy yếu bên kia, một mô hình được cho là đã lỗi thời”.
Kỷ nguyên của UAV
Một cuộc cách mạng công nghệ thực sự đang diễn ra. Ngay cả ở những khu vực xa xôi nhất, nơi từng và vẫn là một trong những khu vực nghèo nhất của châu Âu, binh lính Ukraine giờ đây vẫn theo dõi trận chiến theo thời gian thực trên máy tính bảng. Họ sử dụng UAV điều khiển từ xa để tiêu diệt xe tăng của đối phương mà không cần rời khỏi chỗ ẩn nấp. UAV hiện được sử dụng với số lượng rất lớn không chỉ cho nhiệm vụ trinh sát mà còn cho nhiệm vụ chiến đấu.
UAV có thể tiêu diệt xe tăng, nhưng chúng cũng có thể đâm xuyên qua chiến hào và bay lượn phía trên mục tiêu cho đến khi tìm được thời điểm thích hợp để tấn công, điều mà đạn pháo không làm được. Và chúng có thể được sản xuất hàng loạt với số lượng đáng kinh ngạc. Ukraine có kế hoạch sản xuất khoảng 1,5 triệu UAV trong năm 2024 và Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa cho phép thành lập một quân chủng mới trong quân đội của ông - Lực lượng không người lái chỉ dành riêng cho chiến tranh UAV.
Tuy nhiên, Nga cũng rất giỏi trong lĩnh vực này. Mặc dù ban đầu Nga nhập khẩu UAV từ Iran và sử dụng chúng làm “bom câm”, nhưng quân đội Nga đã phát triển UAV cảm tử mạnh mẽ cho tầm trung và tầm xa. Và cả hai bên hiện đang phát triển các chiến lược sử dụng đội hình UAV để tấn công binh lính và trang thiết bị quân sự cùng một lúc.
Theo tướng James B. Hecker, người đứng đầu các hoạt động của Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, các lực lượng Ukraine đã khám phá ra một số giải pháp sáng tạo để phát hiện UAV Nga.
Tạp chí Economist (Anh) nhận định, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của UAV đối với tác chiến hiện đại trên bộ, trên biển và trên không. Theo một nghĩa nào đó, máy bay có người lái đã nhường chỗ cho máy bay điều khiển từ xa trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không ở Ukraine.
Cuộc chiến không còn tính bất ngờ
Tuy nhiên, ngoài sự hủy diệt từ trên không, UAV kết hợp với các thiết bị quang học và định vị mới cũng như trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi khoa học chiến tranh theo những cách thức thậm chí còn sâu sắc hơn. UAV do thám cung cấp cho quân đội cái nhìn tổng quan về tình hình trên thực địa. Và nhờ có camera hồng ngoại, việc giám sát chiến trường giờ đây được thực hiện suốt ngày đêm, theo thời gian thực và với mức độ chi tiết không thể hình dung được ngay cả chỉ cách đây vài năm.
UAV là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến Ukraine đã buộc các nhà hoạch định chiến lược quân sự phải xem xét lại việc phát triển và trang bị các hệ thống chống UAV tốt hơn. Ảnh: AP |
Tất cả các thông tin này được đưa vào các nền tảng chỉ huy như Hệ thống quản lý chiến trường và nhận biết tình hình Delta được Ukraine phát triển với sự giúp đỡ của NATO. Phần mềm khai thác dữ liệu và trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra hàng nghìn sự tương quan trong vài giây và sau đó giúp đưa ra những quyết định nhanh chóng trên chiến trường; các kết nối Internet được liên kết với vệ tinh sau đó có thể cung cấp tọa độ các chiến trường tương lai đến cấp độ cá nhân từng binh lính.
Kết quả là, yếu tố bất ngờ trong chiến sự đã thực sự biến mất. Các hàng xe tăng của đối phương được nhìn thấy trước cả khi chúng di chuyển và theo đúng nghĩa đen là vài giây sau khi đạn pháo của đối phương khai hỏa. Chỉ riêng sự phát triển này sẽ buộc các lực lượng quân đội trên toàn thế giới phải suy tính lại các học thuyết lâu đời về việc tiến hành các cuộc tấn công bằng các đội hình đông đảo.
Pháo binh và xe tăng vẫn quan trọng
Tuy nhiên, tại sao bất chấp tất cả những công nghệ mang tính tương lai này, những hình ảnh mà giờ đây chúng ta có được từ Ukraine vẫn là hình ảnh những người lính lê lết qua bùn lầy và các thành phố bị pháo binh biến thành đống đổ nát? Và tại sao với tất cả UAV được sản xuất hàng loạt này sắp rời khỏi dây chuyền lắp ráp, phương Tây vẫn đang tích cực cung cấp cho Ukraine những quả đạn pháo, trong khi các ngành công nghiệp của Nga đang trong tình trạng chiến sự với năng lực sản xuất chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai?
Một lời giải thích là, mọi vũ khí mới đều sớm tìm ra “liều thuốc giải độc”. Ukraine đang mất tới 10.000 UAV mỗi tháng do việc gây nhiễu điện tử của Nga. Thiết bị gây nhiễu cầm tay giờ đây có thể khiến một số UAV nhỏ hơn trở nên vô dụng, trong khi tên lửa phòng không dẫn đường chống lại các loại máy bay tinh vi hơn.
Do đó pháo binh vẫn là một vũ khí mạnh mẽ bất chấp tất cả những gì UAV đang tạo ra. Pháo binh gây ra nhiều thương vong hơn so với bất kỳ loại vũ khí nào khác trong mọi cuộc chiến và cuộc xung đột ở Ukraine cũng không phải ngoại lệ. Theo các ước tính, có tới 80-90% thương vong của Ukraine là do hỏa lực của pháo binh. Và vì Ukraine bắn tổng cộng khoảng 1,65 triệu quả đạn pháo chỉ trong năm đầu tiên của cuộc chiến, nên có lý khi tin rằng chính loại vũ khí này đã gây ra phần lớn thương vong cho Nga. Như vậy, UAV không thay thế được pháo binh; chúng chỉ là vũ khí bổ sung.
Điều tương tự cũng áp dụng cho xe tăng. Những hình ảnh hàng nghìn chiếc xe tăng chiến đấu của Nga bị UAV rẻ tiền của Ukraine tiêu diệt đã thu hút các nhà quan sát quân sự trên toàn thế giới và thuyết phục nhiều người trong số họ lập luận rằng kỷ nguyên của xe tăng đã qua đi. Tuy nhiên, thật thú vị khi lưu ý cả Nga và Ukraine đều đã không từ bỏ những loại vũ khí này; thay vào đó, hai bên đang chạy đua để sản xuất và có được các loại xe tăng mới. Bởi vì xe tăng chiến đấu chủ lực kết hợp với hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ tổ lái theo cách mà không loại vũ khí nào khác có thể làm được.