Ảnh minh họa |
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Chúng ta có kinh nghiệm
Cần phải thấy việc Việt Nam gia nhập AEC là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Tôi thấy, mặc dù thấy nhiều thách thức nhưng đại đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn ủng hộ hội nhập, cho rằng hội nhập đem lại nhiều cơ hội rất lớn để kinh doanh và đầu tư. Có thể nói, doanh nghiệp Việt đã có 25 năm kinh nghiệm hội nhập kể từ năm 1990 đến nay và cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Cái mà chúng ta lo ngại hơn là chuyển hóa những cam kết, quy định, cách chơi vào chiến lược kinh doanh thì doanh nghiệp Việt còn yếu. Hiện mới có một số doanh nghiệp lớn đã có chiến lược và sự chuẩn bị gấp rút cho hội nhập, còn đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội này để làm ăn rất ít, trong khi cái giá của hội nhập là nếu chuẩn bị tốt thì chi phí tuân thủ sẽ thấp hơn, còn ngược lại thì chi phí sẽ cao.
Minh chứng là xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, nhưng chi phí phải trả như phí chống bán phá giá còn rất cao. Do vậy, điều đáng lo ngại ở đây là nếu chúng ta muốn làm ăn bài bản, trả phí tổn đàng hoàng thì chi phí tuân thủ ít hơn. Kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy, nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và chỉ học hỏi dần từ vấp ngã thì doanh nghiệp Việt vẫn sống sót, trưởng thành và hội nhập được nhưng cái giá phải trả sẽ cao hơn.
Ông Trần Công Chiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu: Ngành chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ!
Khi gia nhập các Hiệp định tự do như AEC, TPP, nông sản của Việt Nam là một trong những mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn nhất.
Trong thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta có khả năng cạnh tranh được mặt hàng sữa tươi từ nước ngoài vì giá thành sữa từ các nước bị độn lên cao do phải cộng cả chi phí vận chuyển và bảo quản. Theo tôi, khó khăn lớn nhất khi hội nhập là thiếu con người. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực, nhất là các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, thú y, phối giống, quản lý đàn bò… Tiếp tục thực hiện quy trình, hệ thống chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng, nghiêm túc thông qua việc ghi chép sổ sách như hiện nay. Ngoài ra, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp chăn nuôi phải làm được để vượt qua khó khăn là phải đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Tôi cho rằng, sắp tới chúng ta không chỉ thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap mà phải hướng đến cả GlobalGap, đồng thời ý thức nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong chất lượng sản phẩm. Điều quan trọng nữa là cần tiếp tục thực hiện chuỗi khép kín trong chăn nuôi.
Tôi hy vọng Chính phủ có những chế độ trợ giá đối với những người nông dân nuôi bò sữa. Bên cạnh đó, chính sách thuế VAT đối với những sản phẩm sữa trong nước cần có ưu đãi hơn để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA): Thách thức lớn với ngành bia - rượu - nước giải khát
Việc gia tăng sức cạnh tranh đối với hàng hoá ASEAN sẽ khiến ngành bia, rượu, nước giải khát trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chính sách đối với ngành bia, rượu ngày càng được thắt chặt với việc Chính phủ quyết đưa bia rượu vào mặt hàng tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội biểu quyết chưa thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng Chính phủ vẫn chủ trương áp thuế để thực hiện từ 1/1/2016. Trước đây khi hàng rào thuế quan chưa dỡ bỏ thì các doanh nghiệp trong nước đã chịu sự cạnh tranh mạnh từ các sản phẩm ngoại ồ ạt vào Việt Nam để đón đầu các hiệp định thương mại (FTA). Khi hàng rào thuế quan hạ thấp còn 5-0% từ 2015-2018, nhiều doanh nghiệp ngành bia, rượu sẽ khó chống đỡ. Nhiều nước trong ASEAN có cơ cấu kinh tế và các thế mạnh xuất nhập khẩu khá tương đồng với Việt Nam, trong khi năng lực cạnh tranh về công nghệ và chất lượng sản phẩm, thương hiệu Việt Nam lại có phần thấp hơn. Hội nhập khiến hàng hoá tiêu dùng các nước có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam ngày một nhiều, mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, song sẽ là thách thức không dễ vượt qua của các doanh nghiệp, nguy cơ thu hẹp sản xuất, giảm doanh thu, lợi nhuận, sẽ dẫn đến khó đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 10: Giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài
May 10 ý thức rất rõ những cơ hội và thách thức xảy ra trong quá trình hội nhập đang đến gần. Trong thời gian tới, hàng hóa các nước vào Việt Nam sẽ rất nhiều, cạnh tranh rất gay gắt. Chính vì vậy, mục tiêu của công ty tới đây là phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với sản xuất và phát triển thị trường nội đia, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và đưa thương hiệu ra nước ngoài. Không những phân phối sản phẩm qua hệ thống bán lẻ, cửa hàng và đại lý, chúng tôi sẽ tập trung vào những kênh siêu thị lớn trong nước.
Hiện nay May 10 đã đạt tỉ trọng xuất khẩu 200 triệu USD, mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới sẽ là 400 triệu USD và sẽ đạt mức 500 triệu USD và 1 tỷ USD vào năm 2030 và 2035.
Đến nay, May 10 đã có trên 11.000 lao động, hầu hết đều được đào tạo bài bản; trong đó có 465 người có trình độ đại học, trên đại học; 212 người có trình độ cao đẳng và 304 người trình độ trung cấp. Đặc biệt, ngay từ năm 2015, Cty đã tổ chức các lớp tiếng Anh cho cán bộ quản lý ở các đơn vị; đồng thời chỉ tuyển dụng nhân viên có nghiệp vụ và giỏi tiếng Anh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế khi các Hiệp định thương mại FTA như AEC, TPP… có hiệu lực.
Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phấn đấu đưa May 10 trở thành tập đoàn hàng đầu hoạt động đa lĩnh vực, không chỉ tham gia công nghiệp may mà còn “lấn sân” vào lĩnh vực công nghiệp dệt để xây dựng chuỗi cung ứng, phấn đấu giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Ông Phạm Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Trang trí Nội thất An Phú: Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị tổn thương!
Trong bối cảnh hiện nay, ngành hàng trang trí nội thất, sàn gỗ… trong nước đang có dấu hiệu chùng xuống, đây chính là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp. Thông qua các FTA như AEC, TPP... doanh nghiệp Việt có cơ hội mở rộng và tiến sâu hơn vào các thị trường quan trọng trên thế giới bởi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ và hàng rào kỹ thuật từng bước được tháo gỡ.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm và doanh nghiệp quốc tế cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.