Các DN Việt Nam có sự nhạy bén để nhanh chóng hòa nhập với cái mới, nhưng nhân lực là điểm yếu. (Ảnh minh họa: KT) |
Bên cạnh những cơ hội mở rộng, sự phấn khởi, hồ hởi của người dân khi Cộng đồng ASEAN và 1 trong 3 trụ cột là Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) đã chính thức hình thành - mà Việt Nam là 1 trong 10 nước thành viên, thì vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế đất nước.
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng phân tích, nhìn lại quá trình Việt Nam tham gia vào ASEAN đến nay cho thấy, ASEAN chính là cầu nối để Việt Nam hội nhập với thế giới. Trong quá trình đó, Việt Nam vừa đóng góp vào ASEAN về mặt kinh tế, vừa ngày càng phát triển, vươn lên mạnh mẽ.
Việt Nam đã đóng góp rất quan trọng vào tất cả các chương trình phát triển kinh tế của ASEAN, trong đó phải nói đến sáng kiến của Việt Nam về phát triển kinh tế vùng, miền được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vị trí của các nước nghèo nhất trong khu vực, đây là điều cần phải suy nghĩ: “Chúng ta đang băn khoăn vì vẫn là 1 trong 4 nước nghèo nhất ASEAN. Chúng ta rút ra khỏi nhóm 4 nước nghèo - vẫn thường gọi là V-L-C-M (Việt Nam – Lào – Campuchia- Myanma) được thì sẽ nâng được tầm của Việt Nam lên. Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa qua được điều đó. Điều này đặt ra dấu hỏi rất lớn là tất cả mọi người Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi cảnh là 1 trong những nước nghèo nhất trong ASEAN”.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trong mô hình tăng trưởng cũ và có thể nói là đã tới hạn, dựa quá nhiều vào vốn, lao động giá rẻ, tài nguyên trong nước, do đó chất lượng hàng hóa thấp, mẫu mã chưa đa dạng, giá thành lại cao. Các doanh nghiệp lớn có sức mạnh hơn nhưng vẫn chưa phải là thật tốt, còn dựa vào nhiều yếu tố không mang tính cạnh tranh như cơ chế xin – cho, lợi dụng sự ưu đãi nhất định từ những mối quan hệ nào đó. Khó khăn hơn cả là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ khả năng về vốn, công nghệ, nhân lực, quản lý…
Bối cảnh hội nhập mới đòi hỏi một sự thay đổi kịp thời về cơ chế, chính sách, tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nền kinh tế Việt Nam dần tiệm cận với các nước hàng đầu trong khu vực.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: “Đi đôi với việc tháo gỡ những khó khăn ấy bằng thể chế, chính sách, cơ chế, sự hỗ trợ nào đó, thì cái quan trọng hơn là yêu cầu phải đạt tới chỉ số về môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh của chúng ta đòi hỏi càng ngày phải càng theo kịp các nước hàng đầu trong ASEAN. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, chúng ta phải hết sức ủng hộ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì không nên trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước và từ bên ngoài mà phải tự thân mình vươn lên”.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức, Hà Nội cho rằng, nếu như các doanh nghiệp Việt Nam có sự nhạy bén để nhanh chóng hòa nhập với cái mới, thì yếu tố nhân lực, con người lại chính là điểm yếu. Các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam cơ bản đều phải thuê nước ngoài điều hành, điều khiển, đặc biệt là các doanh nghiệp về bất động sản, khách sạn, các văn phòng cho thuê hạng sang…
Khi gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ có thêm ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài vào Việt Nam, do đó bên cạnh nâng cao năng lực quản trị, các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng tới việc hòa vào các chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới: “Các doanh nghiệp Việt Nam nên hòa vào các tập đoàn cũng như các công ty lớn có các chuỗi giá trị từ A đến Z, đóng góp 1 phần trong đó, dần dần nâng lên để làm sao cả chuỗi giá trị đó chúng ta có thể hoàn chỉnh được.
Hiện nay, chúng ta hội nhập không chỉ với các nước Đông Nam Á nữa mà cả thế giới, cho nên các tập đoàn lớn rất quy mô, chuyên nghiệp, khi họ vào Việt Nam cũng cần các đối tác trong nước, đối tác mang tính chuỗi giá trị. Rõ ràng chúng ta phải có chiến lược để làm sao bắt kịp cũng như hợp tác với các chuỗi giá trị toàn cầu thì sẽ bứt phá được”.
Nói đến yếu tố con người là không chỉ nói đến đội ngũ quản lý, mà còn là người lao động nói chung. Lao động Việt Nam đa phần còn yếu về trình độ tay nghề, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ, trong khi đây lại là những yêu cầu quan trọng khi Việt Nam gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN. Năng suất lao động thấp cũng chính là một trong những thách thức lớn của Việt Nam khi hội nhập ngày càng sâu rộng.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) băn khoăn, thực tế là lao động của Việt Nam khi đi xuất khẩu lại được đánh giá cao, vậy thì việc năng suất lao động của Việt Nam còn thấp cũng có nguyên nhân từ sự đãi ngộ, cách quản lý của chính các doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề cần nhìn nhận đúng để thay đổi kịp thời.
Gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng muốn nắm bắt được cơ hội đó thì cần vượt qua được những thách thức, hạn chế, tồn tại. Để không bị thua ngay trên “sân nhà”, thì bên cạnh sự chủ động, tự hoàn thiện mình của đội ngũ quản lý doanh nghiệp và người lao động, cần có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo, vươn lên của các doanh nghiệp, cũng như đào tạo đúng hướng để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động mới.