Ngày này năm xưa 3/2: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam 93 mùa xuân, Đảng đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác |
Pano tại phố Hoàng Văn Thụ, Hà Nội chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, báo Pasaxon (Nhân Dân), Cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày 6/2 tiếp tục đăng trên trang nhất bài xã luận mang tiêu đề “93 năm trưởng thành và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Theo bài viết, trong không khí tưng bừng đón chào Xuân mới, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam đang vui mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023) - đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.
Với niềm tự hào về Đảng quang vinh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiến bước trên con đường độc lập, tự do và phát triển, Việt Nam vững niềm tin, một lòng bảo vệ và xây dựng đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Nghị quyết nêu rõ động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đó cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong suốt cuộc đời Người đã nhiều lần nhắc đến và mọi hành động của Người cũng đều nhằm biến mong muốn đó trở thành hiện thực.
Theo báo Pasaxon: “Từ khi còn nhỏ, chứng kiến đất nước mình bị áp bức, nghèo đói, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã nung nấu khát vọng tìm đường cứu nước, đưa nhân dân Việt Nam giành độc lập.
Trải qua chặng đường 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, sống và hoạt động cách mạng ở 28 nước trên thế giới, Người luôn giữ vững niềm tin và khát vọng ‘độc lập cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu.’
Đó là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện tư tưởng, ý chí độc lập tự chủ, tự cường, mong muốn to lớn, tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, hòa vào làn sóng cách mạng thế giới, tiếp cận những tư tưởng tiên tiến, Người đã hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và trở thành một người cộng sản chân chính, tích cực hoạt động cho sự phát triển của cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Sau khi đọc ‘Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và những vấn đề thuộc địa’ của Lênin, Người bỏ phiếu cho Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Người.
Kể từ đây, tư tưởng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản bắt đầu. Người xác định rằng: muốn có độc lập, tự do, các dân tộc bị áp bức không được khoanh tay ngồi chờ, muốn có cuộc sống ấm no và hạnh phúc thật sự thì điều quyết định trước hết là phải giành cho được độc lập, tự do, 'muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.'
Người đã thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, từng bước biến những kỳ vọng, khát khao về một đất nước độc lập, tự do thành hiện thực.
Năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong vòng 5 năm (từ năm 1941-1945), Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đi đến thắng lợi vĩ đại là cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945.”
Bài báo nhấn mạnh sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn làm cho dân giàu nước mạnh, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”
Người đặt nhiệm vụ cấp bách của các cấp chính quyền lúc bấy giờ là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; giải quyết hai vấn đề quan trọng là khôi phục, phát triển nội lực của đất nước và đấu tranh ngoại giao với những âm mưu của kẻ thù xâm lược từ bên ngoài, kéo dài thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến cứu nước.
Những nhiệm vụ đó đã được thực hiện theo những đường lối chính sách, chỉ đạo cụ thể, phù hợp, sáng tạo và linh hoạt của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xã luận cho biết trước khi qua đời, trong “Di chúc,” Người nêu ra mong muốn cuối cùng, là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”
Những tư tưởng và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước trong suốt 35 năm qua và trong những giai đoạn tiếp theo.
Bài báo kết luận những kết quả, thành tựu đã đạt được là vô cùng quan trọng, toàn diện, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.