Những năm qua, Việt Nam tăng cường đàm phán, kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới với những cam kết cắt giảm thuế quan xuất nhập khẩu sâu rộng, những ưu đãi về tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư…
Một trong những mục tiêu, mục đích quan trọng đó là mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư… cho cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA đã được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai, trong đó nổi bật nhất là Cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam do Bộ Công Thương xây dựng và vận hành. Ảnh Hoàng Giang |
Các FTA được kí kết và thực thi mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội từ một FTA, việc doanh nghiệp có hiểu biết về các cam kết FTA là rất quan trọng. Đối với một FTA lớn, phạm vi rộng và dự kiến sẽ có tác động sâu sắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là xuất nhập khẩu, nhận thức của doanh nghiệp về Hiệp định càng có ý nghĩa hơn.
Kết quả Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 cho thấy, EVFTA là FTA được doanh nghiệp biết tới nhiều nhất, cũng là Hiệp định có tỷ lệ các doanh nghiệp biết rõ cao nhất.
So với các khảo sát tương tự đã thực hiện năm 2016 và 2020, có thể thấy qua thời gian, mức độ quan tâm và tìm hiểu về các FTA của doanh nghiệp đã được cải thiện theo hướng tích cực. Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp chỉ biết sơ qua về các hiệp định giảm dần, tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ hoặc rất rõ về các cam kết FTA có liên quan đến mình tăng lên rõ rệt, từ mức 12,6% năm 2016 lên mức 26,1% trong khảo sát năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực, tạo cơ sở cho doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các FTA.
Thực tế thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA đã được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai. Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương, hiệp hội tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến về các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… Nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức xoay quanh các hiệp định thương mại tự do và cập nhật diễn biến tổng quát tình hình thị trường thành viên của các hiệp định thương mại tự do… cũng được tổ chức.
Một thách thức khác trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các FTA, đó là nội dung các hiệp định, nhất là các FTA thế hệ mới thường bao trùm rất nhiều vấn đề, lĩnh vực, nhiều điều khoản cam kết mới, phức tạp và được thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm thực tiễn tiếp cận với các hiệp định và chưa có bộ phận chuyên trách công tác này.
Thực hiện vai trò đầu mối triển khai công tác thực thi các FTA, thời gian qua Bộ Công Thương đã nhận được và giải đáp nhiều câu hỏi, yêu cầu của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ nắm bắt, vận dụng những nội dung cam kết của các FTA vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đặc biệt là những nội dung phức tạp.
Từ thực tiễn triển khai các FTA cộng với ứng dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, thì việc hình thành Cổng thông tin điện tử (địa chỉ: //fta.gov.vn/) về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) là một trong những giải pháp hữu hiệu, một cách thức mới nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến các FTA.
Về lộ trình thực hiện, các FTA thế hệ mới và các FTA đa phương (bao gồm các FTA giữa ASEAN và các đối tác) sẽ được triển khai trước, sau đó là các FTA song phương mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được phân tích, xây dựng và đăng tải để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá.
Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn sau 2025, Cổng FTAP sẽ tiếp tục được nâng cấp, cập nhật và phát triển các tính năng mới để nâng cao chất lượng trải nghiệm người dùng, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA và hỗ trợ tận dụng các FTA hiệu quả hơn.